Hi hữu chuyện kế toán “cắm” sổ bảo hiểm xã hội của giáo viên

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là chuyện hi hữu xảy ra tại trường THCS Lê Hồng Phong và trường tiểu học Đặng Cương thuộc huyện An Dương, TP Hải Phòng.

Ông Nguyễn Văn Cường hiện là kế toán của trường cùng với vợ là Nguyễn Thị Ly – kế toán trường tiểu học Đặng Cương đã mang 08 quyển sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) của giáo viên trường THCS Hồng Phong đi cắm. 
Sự việc này xảy ra từ năm 2013 đến nay khiến nhiều giáo viên lâm vào cảnh dở khóc dở cười, thậm chí có giáo viên đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa thể chốt được sổ bảo hiểm với lí do nhà trường còn nợ tiền bảo hiểm xã hội.
 Trường THCS Lê Hồng Phong thuộc huyện An Dương, TP Hải Phòng
Theo đơn đề nghị của bà Nguyễn Thị Hường hiện là giáo viên dạy hợp đồng tại trường gửi các cơ quan chức năng của huyện An Dương về việc ông Nguyễn Văn Cường là kế toán đã thu, nộp bảo hiểm của nhiều người không đúng. Bản thân bà Hường là người đóng bảo hiểm tự nguyện ở trường với mức đóng ban đầu là 1.300.000đ từ tháng 1.2014, đến tháng 1.2015 bà Hường đóng ở mức 2.415.000đ. Tháng 1.2016 bà Hường điều chỉnh tiếp và đóng bảo hiểm ở mức 3.745.000đ nhưng ông Cường vẫn không điều chỉnh tiền đóng bảo hiểm mà giữ ở mức 1.300.000đ của bà Hường dẫn đến bà Hường không được hưởng chế độ thai sản từ khi sinh con đến nay. Ông Cường đã nhận của bà Hường với tổng số tiền là 14.898.000đ nhưng chưa nộp vào bảo hiểm.

Trao đổi về sự việc nêu trên ông Vũ Văn Độ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết; ông Nguyễn Văn Cường được điều động theo Quyết định của huyện An Dương làm kế toán trường THCS Hồng Phong từ tháng 1/2013. Ông Cường được giao nhiệm vụ cộng tác viên thu nộp bảo hiểm cho cán bộ giáo viên và hợp đồng của trường cũng như thanh toán bảo hiểm theo chế độ hiện hành. Từ tháng 1/2013 đến tháng 9/2015 ông Nguyễn Văn Cường phụ trách thu nộp bảo hiểm đã có nhiều biểu hiện không rõ ràng, không hoàn thành công việc còn để nợ đọng kì trước gối sang kì sau, năm trước gối sang năm sau. Thanh toán chế độ cho cán bộ giáo viên trong trường còn chậm như thanh toán chế độ thai sản, cấp thẻ BHYT năm 2015 đến tháng 6/2015 mới có.
Nhà trường đã nhiều lần có giấy triệu tập mời ông Cường lên để giải quyết nhưng ông Cường không hợp tác. Theo thống kê của nhà tường thì từ tháng 1/2013 đến tháng 9/2015 ông Cường thu của giáo viên hợp đồng của trường THCS Hồng Phong là 349.981.084đ trong đó đã nộp 80.000.000đ còn lại 269.981.8084đ là ông Cường chưa nộp vào bảo hiểm. Nhà trường đã có công văn gửi cơ quan chức năng yêu cầu vào cuộc để làm rõ vụ việc trên.
Xác nhận với PV, ông Độ cho biết tính đến ngày 22/1/2017 nhà trường nhận được tin một người tên là Phạm Thị Hiền ở huyện An Dương báo cho nhà trường biết về việc bà Ly (vợ ông Cường) và bà Quý công tác tại trường tiểu học Đặng Cương đã đem một số sổ bảo hiểm xã hội của giáo viên trường THCS Hồng Phong cắm để lấy tiền. Nhà trường đã xác minh hiện có 8 giáo viên bị mất sổ BHXH; Nguyễn Thị Kim Lê – SN 1976; Đỗ Văn Vương – SN 1965; Lê Phương Lan – SN 1970; Trần Thị Minh Hòa, SN 1983; Nguyễn Thị Huế, SN 1983; Đỗ Thị Thủy – SN 1978; Nguyễn Văn Cường, SN 1967 và Nguyễn Thị Thu Thủy được nhà trường nhận về từ tay bà Hiền đã gọi điện thoại cho nhà trường.

Tương tự bà Lê Thị Thu Thủy – Hiệu trưởng trường tiểu học Đặng Cương cho biết; bà Nguyễn Thị Ly là vợ ông Cường được điều động chuyển xuống nhà trường công tác từ tháng 10.2014 với công việc đảm trách là kế toán, cộng tác viên của bảo hiểm. Do bà Ly là người nắm giữ công việc sổ sách kiêm thu nộp tiền bảo hiểm của cán bộ giáo viên trong trường nên đã để xảy ra tình trạng nhà trường nợ đọng bảo hiểm xã hội mà không ai hay biết.
Tính đến thời điểm ngày 27/3/2017 nhà trường mới tá hỏa khi biết nợ bảo hiểm lên tới 86.408.054đ. Hiện bà Ly đang bị nhà trường tạm đình chỉ 2 tháng công việc để cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ. Hiện nhà trường đang có một trường hợp về hưu nhưng chưa thể chốt được sổ bảo hiểm với lí do trường đang nợ đọng bảo hiểm.

Hiện tại 02 trường nói trên đang lâm vào cảnh dở khóc dở cười với sự việc hi hữu khi cùng một lúc hai vợ chồng Cường và Ly làm kế toán của 2 trường đã liên tiếp để nợ đọng BHXH khi làm các giao dịch về bảo hiểm, một số quyển sổ bảo hiểm xã hội của giáo viên trường THCS Hồng Phong đã không cánh mà bay trong nhiều năm liền. Một số trường hợp giáo viên bị đóng ngắt quãng bảo hiểm trong 3 năm liền...

Ông Lê Văn Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương cho biết hiện huyện đã thành lập đoàn công tác và đang bước đầu xác minh để làm rõ thông tin nhà trường có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó UBND huyện cũng đã yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra của huyện vào cuộc điều tra làm rõ nếu có dấu hiệu vi phạm của hai vợ chồng Cường, Ly sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Không bao che cho những hành động sai trái khi sự việc này đã kéo dài nhiều năm liền, các trường cần được ổn định sớm để giáo viên cũng như phụ huynh học sinh có thể yên tâm tại các trường nói trên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần