Hiến kế để huyện Phú Xuyên phát triển du lịch làng nghề

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 26/4, Sở Du lịch Hà Nội chủ trì, phối hợp với UBND huyện Phú Xuyên tổ chức Hội nghị “Nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch và kết nối điểm du lịch huyện Phú Xuyên với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2023”.

Nằm cách trung tâm Thủ đô khoảng 40km, huyện Phú Xuyên có 154/154 làng có nghề, trong đó 43 làng nghề được TP Hà Nội công nhận và 112 di tích lịch sử được xếp hạng (35 di tích cấp quốc gia, 77 di tích cấp TP).

Với hệ thống tài nguyên du lịch văn hoá phong phú, Phú Xuyện hiện có 2 điểm du lịch đã được UBND TP Hà Nội công nhận theo quy định của Luật Du lịch 2017, là điểm du lịch làng nghề khảm trai, sơn mài Chuyên Mỹ và điểm du lịch làng nghề may Vân Từ.

Địa phương phấn đấu giai đoạn 2025 - 2030 trở thành một trong những huyện trọng điểm du lịch làng nghề trên địa bàn Thủ đô.

Doanh nghiệp du lịch Hà Nội tham quan, khảo sát các điểm di tích văn hóa trên địa bàn huyện Phú Xuyên. Ảnh: Hoài Nam
Doanh nghiệp du lịch Hà Nội tham quan, khảo sát các điểm di tích văn hóa trên địa bàn huyện Phú Xuyên. Ảnh: Hoài Nam

Hiến kế để Phú Xuyên trở thành điểm du lịch làng nghề trọng điểm của TP Hà Nội, tại hội nghị, chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành cho rằng, các làng nghề ở Phú Xuyên rất độc đáo, nhưng tất cả giá trị ấy vẫn đang ở dạng tiềm năng. Điều đó dẫn đến lượng khách đến các làng nghề trên địa bàn huyện Phú Xuyên còn rất khiêm tốn, chưa có du khách nào lưu trú tại địa phương.

Giám đốc Công ty du lịch AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho biết, mặc dù sản phẩm, quy trình sản xuất ở các làng nghề đều rất ấn tượng nhưng chưa được sắp xếp theo trật tự. Do đó, cần xây dựng khu trưng bày sản phẩm để khách hàng dễ tham quan, mua sắm và trải nghiệm vào công đoạn sản xuất. Mặt khác, cảnh quan làng nghề chưa được quan tâm, không có biển chỉ dẫn nên không gây được tò mò, ấn tượng với các du khách.

Doanh nghiệp du lịch tham quan điểm bán và giới thiệu sản phẩm làng nghề khảm chai Chuyên Mỹ (Phú Xuyên). Ảnh: Hoài Nam
Doanh nghiệp du lịch tham quan điểm bán và giới thiệu sản phẩm làng nghề khảm chai Chuyên Mỹ (Phú Xuyên). Ảnh: Hoài Nam

“Huyện Phú Xuyên cần khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư các dịch vụ vui chơi, ăn uống, lưu trú phục vụ du khách. Đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại làng nghề và tuyên truyền các giá trị làng nghề, làng cổ nhiều hơn để tạo hiệu ứng hút khách” - ông Nguyễn Tiến Đạt hiến kế.

Để huyện Phú Xuyên trở thành điểm đến du lịch làng nghề hấp dẫn thu hút du khách các doanh nghiệp lữ hành còn cho rằng, huyện cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, các sản phẩm dịch vụ ẩm thực, dịch vụ trải nghiệm gắn với đời sống nông thôn, câu chuyện phát triển của làng nghề. Đồng thời kết nối tour, tuyến với và điểm đến du lịch của các địa phương lân cận như Thường Tín (Hà Nội) và tỉnh Hà Nam.

Doanh nghiệp du lịch tham quan điểm bán và giới thiệu sản phẩm làng nghề giầy da Phú Yên (Phú Xuyên). Ảnh: Hoài Nam
Doanh nghiệp du lịch tham quan điểm bán và giới thiệu sản phẩm làng nghề giầy da Phú Yên (Phú Xuyên). Ảnh: Hoài Nam

Để du lịch làng nghề nói riêng, du lịch Phú Xuyên nói chung sớm “cất cánh”, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy đề nghị thời gian tới Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Hà Nội và doanh nghiệp lữ hành tổ chức kết nối các tour, tuyến du lịch, đưa du khách đến tham quan, trải nghiệm tại điểm du lịch, các làng nghề truyền thống của huyện.

Các cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục đồng hành cùng huyện để thông tin tuyên truyền, quảng bá rộng rãi tới bạn bè trong nước và quốc tế về mảnh đất, con người, truyền thống lịch sử của huyện.

Trước những kiến nghị của UBND huyện Phú Xuyên, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, Sở Du lịch Hà Nội luôn quan tâm, hỗ trợ các điểm du lịch trên địa bàn huyện Phú Xuyên nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, góp phần tạo điểm đến du lịch chất lượng cao, tiêu biểu của thành phố, đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng các gói sản phẩm du lịch phù hợp nhằm thu hút khách.