Hiện thực hóa giấc mơ thành phố xanh bên sông

n KTS Lưu Quang Huy - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội, Thủ đô hơn nghìn năm tuổi có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với hệ thống sông, hồ và đặc biệt là sông Hồng.

Với việc hoàn thiện Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là bước đi đầu tiên, quan trọng để biến ước mơ về thành phố xanh, hiện đại và đậm đà bản sắc văn hóa hai bên bờ sông Hồng thành hiện thực.

Mặt sau của thành phố…

Do nhu cầu phòng chống lũ, lụt và trị thủy sông Hồng, để bảo vệ các khu dân cư đô thị, xuyên suốt quá trình lịch sử, hệ thống đê điều hai bên tả ngạn, hữu ngạn sông Hồng dần dần được hình thành và thường xuyên được gia cố. Từ các đoạn đê riêng lẻ ban đầu đã hình thành các tuyến đê dọc theo hai bờ sông. Trải qua quá trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội, việc hình thành hệ thống đê chống lũ, lụt vô hình trung đã tạo nên sự ngăn cách giữa sông Hồng với không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội hiện đại ngày nay.

Sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Trước và trong thời kỳ phong kiến, sông Hồng giữ vai trò là tuyến giao thông và giao thương quan trọng của Hà Nội. Lúc này, hai bên sông chưa có nhiều dân cư sinh sống, sự hình thành của làng xóm gắn với các công trình văn hóa tín ngưỡng ở dải bãi bồi hai bên sông Hồng bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ XIX. Đến những năm 60 - 70 của thế kỷ XX, ngoài các làng xóm và khu dân cư ngoài đê sông Hồng, các khu dân cư mới được hình thành như: An Dương, Phúc Xá, Phúc Tân, Chương Dương, Bạch Đằng, Thanh Lương, Vĩnh Tuy… nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng gia tăng của công nhân lao động.

Trong quá trình đô thị hóa của Hà Nội, khu vực hai bên sông Hồng tập trung rất nhiều công trình xây dựng tự phát, trái phép, lấn chiếm lòng sông gây cản trở dòng chảy, tạo thành một khu vực lộn xộn không theo quy hoạch, sông Hồng trở thành mặt sau của các khu dân cư, nơi tập kết rác thải, nơi xả nước thải... và cả TP đã quay lưng lại với sông Hồng.

Nhận thức giá trị quan trọng về không gian lịch sử, văn hóa và cảnh quan của khu vực, đã có rất nhiều đồ án, dự án, đề tài nghiên cứu được triển khai nhằm mục đích cải tạo dân cư khu vực, kết nối giao thông hai bờ sông, trị thủy sông Hồng. Về cơ bản các quy hoạch, đề án đã lập đáp ứng được nhu cầu cải tạo, xây dựng mới khu vực ngoài đê, tuy nhiên mới chỉ là những nghiên cứu mang tính cục bộ.

Đến năm 2006, Hà Nội đã triển khai nghiên cứu Quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội với phạm vi 40km dọc hai bên sông Hồng, nội dung khá toàn diện về vấn đề trị thủy, quy hoạch sử dụng đất, giao thông, tuy nhiên tính khả thi chưa cao.

Động lực phát triển cho cả khu vực

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó định hướng sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của TP, là “lá phổi xanh” của Thủ đô. Nhằm cụ thể hóa những định hướng của bản Quy hoạch chung, ngày 25/3/2022 UBND TP Hà Nội đã phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) tại Quyết định số 1045/QĐ-UBND.

Theo quy hoạch, phân khu sông Hồng có chiều dài khoảng 40km (từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), trong địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện, với tổng diện tích khoảng 10.996,16ha. Trong đó diện tích mặt nước sông Hồng chiếm khoảng 30% (khoảng 3.244ha), diện tích dành cho không gian xanh khoảng 49,7% (khoảng 5.462ha), còn lại là các loại đất khác như đất ở, cơ quan, di tích, tôn giáo, kho tàng… Như vậy không gian cây xanh, mặt nước chiếm gần 80% diện tích nghiên cứu, phù hợp với định hướng sông Hồng là khu vực thoát lũ, trục không gian xanh cho khu vực trung tâm Hà Nội.

Đáng chú ý nhất của đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được duyệt lần này là đã thay đổi cách tiếp cận, theo nguyên tắc “thuận thiên”. Lấy phòng chống lũ và chỉnh trị sông Hồng là mục tiêu hàng đầu, ổn định và nâng cao chất lượng sống khu dân cư hiện hữu được phép tồn tại, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng.

Xác định sông Hồng là trục không gian xanh, cảnh quan đô thị, nhấn mạnh văn hóa đặc sắc của sông Hồng, tạo thành không gian gắn kết, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các khu vực hai bên sông. Tại bản quy hoạch này giải pháp phòng, chống lũ, đã nêu rõ không nâng cao các tuyến đê bối hiện có, không xây dựng đê bối mới; xây dựng kè cứng, kè mềm theo từng khu vực.

Với Hà Nội, việc hoàn thiện Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là bước đi đầu tiên quan trọng để biến ước mơ về TP xanh, hiện đại và đậm đà bản sắc văn hóa hai bên bờ sông Hồng thành hiện thực. Trước mắt, TP cần tập trung phát triển hệ thống hạ tầng khung, trong đó ưu tiên xây dựng tuyến đường ven sông làm cơ sở để cải tạo chỉnh trang, tái thiết khu vực hai bên bờ sông. Đồng thời di dời các khu vực lấn chiếm bãi sông, khai thác cảnh quan ven sông vào mục đích không gian công cộng. Từng bước xây dựng các tuyến giao thông kết nối từ đê chính đến tuyến đường ven sông để tạo sự thuận lợi cho người dân tiếp cận với sông Hồng, hướng TP “quay mặt” ra sông Hồng.

Các khu dân cư hiện có không còn ở tình trạng không có quy hoạch, xây dựng tự phát mà được cải tạo chỉnh trang, bổ sung hạ tầng xã hội (trường học, công cộng, cây xanh – thể dục thể thao…) hạ tầng kỹ thuật nhằm nâng cao đời sống dân cư, thay đổi hình ảnh đô thị. Xây dựng các khu chức năng đô thị mới gồm các khu nhà ở mới, công trình công cộng, hành chính, văn hóa, trung tâm thương mại dịch vụ… nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân và để các cấp chính quyền tổ chức cải tạo, chỉnh trang, phát triển đô thị tại khu vực.

Sau khi các tuyến đường ven sông được xây dựng và kết nối với khu vực, các công viên ven sông, thương mại dịch vụ… được hình thành, sông Hồng sẽ phát huy được hết giá trị là trục cảnh quan, không gian xanh trung tâm của Hà Nội, trở thành điểm đến cho người dân Thủ đô và khu vực. Khi đó, sức hấp dẫn cũng như giá trị của sông Hồng không chỉ nằm ở quỹ đất, các hoạt động đặc sắc nổi bật hai bên bờ sông mà sẽ có tính lan tỏa, là động lực phát triển cho cả khu vực đô thị phía Bắc và phía Nam sông Hồng, góp phần xây dựng Hà Nội trở thành thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

 

Một trong những nội dung chính của đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là giải pháp về giao thông và sử dụng đất bãi sông. Trong đó, về giao thông, hai tuyến đê chính đoạn qua khu vực nội đô giữ theo hiện trạng, các đoạn còn lại nâng cấp thành đường chính khu vực. Ngoài ra, xây dựng mới hai tuyến đường cấp đô thị chạy dọc sông tại các khu vực dân cư được tồn tại bảo vệ và các khu vực được nghiên cứu xây dựng mới. Đặc biệt, trong khu vực nghiên cứu có 12 cầu đường bộ và 5 cầu đường sắt kết nối các khu vực đô thị hai bên sông. Đây cũng là yếu tố biến sông Hồng trở thành trục trung tâm của Thủ đô Hà Nội, kéo gần khoảng cách về địa lý, tốc độ phát triển đô thị giữa bờ Bắc và bờ Nam sông Hồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần