Sau 69 năm, sự kiện "Ngày Giải phóng Thủ đô" vẫn là nguồn cảm hứng cho Hà Nội vượt qua mọi gian nan, thử thách, tạo những bước đột phá lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và quản lý đô thị, an sinh xã hội...
Chủ động, sáng tạo trước khó khăn
69 năm kể từ dấu mốc Ngày Giải phóng Thủ đô, từ một đô thị có quy mô dân số khoảng 43,7 vạn người, chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh, Hà Nội đã không ngừng nỗ lực vươn lên ngày càng lớn mạnh, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, hội nhập sâu rộng với thế giới. Hiện với 30 đơn vị hành chính, tổng diện tích gần 3.400km2, Hà Nội đứng thứ 2 cả nước về dân số và quy mô GRDP, xếp thứ 8 về GRDP bình quân đầu người. Hà Nội hiện đóng góp gần 13% GDP của cả nước; đóng góp 43% GRDP, 43,8% thu ngân sách của vùng đồng bằng sông Hồng.
Nhiều ý kiến nhận định, Hà Nội đang tiếp nối tinh thần đầu tàu gương mẫu, quyết tâm vươn lên, hiện thực những mục tiêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đặt ra, hiện thực khát vọng và niềm tin mà người dân cả nước gửi gắm vào Hà Nội.
Để hiện thực hóa những mục tiêu đó, trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, dù thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII trong điều kiện có những khó khăn khách quan bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, TP Hà Nội đã đạt được những kết quả rất đáng tự hào. Như những con số thống kê cho thấy, tăng trưởng bình quân 2 năm 2021 - 2022 của TP gấp 1,13 lần, riêng năm 2022 GRDP tăng trưởng 8,89%; 9 tháng đầu năm 2023, trong khi nhiều địa phương tăng trưởng sụt giảm mạnh, GRDP TP vẫn tăng 6,08%. Thu nhập bình quân năm 2022 đạt bình quân gần 142 triệu đồng/người, tăng hơn 18 triệu đồng so với năm 2020, bình quân tăng 7,07%/năm...).
Trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, TP đã tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng khoa học công nghệ, hạ tầng số… phát triển Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, hài hòa, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước.
Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu này, nhiều công trình lớn, quan trọng đã được hoàn thành và khởi công xây dựng như: vận hành đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; đường Vành đai 2 trên cao; khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, chuẩn bị cho vận hành tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội… Đặc biệt, "siêu dự án" – tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã chính thức được 3 địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên triển khai với sự cam kết mạnh mẽ để cơ bản hoàn thành xây dựng đường vào năm 2026, đưa vào khai thác vận hành từ năm 2027. Từ đó góp phần tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời với đó, trên hành trình hướng tới tương lai, Hà Nội đã và đang tập trung triển khai các chương trình, nghị quyết để phát huy các tiềm lực to lớn về văn hóa, khoa học, công nghệ... Trong đó, Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã tạo tiền đề rất quan trọng để Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa. Đây là thế mạnh mà Hà Nội sẽ tập trung khai thác, tạo động lực thu hút nhà đầu tư đến với Thủ đô.
Hướng đến những mục tiêu bền vững trong tương lai
Dấu mốc kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) cũng là thời điểm Hà Nội tăng tốc hoàn thành những mục tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, để hướng tới xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Hà Nội đang tập trung vượt qua khó khăn, thách thức tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Trong đó, để tháo gỡ nút thắt về cơ chế và quy hoạch, những ngày này, Hà Nội đang quyết tâm hoàn thành các hồ sơ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10/2023 với 3 nội dung quan trọng, gồm: Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đây là 3 nội dung có quan hệ mật thiết với nhau, khi ban hành sẽ đồng thời cởi nút thắt về cơ chế và quy hoạch cho Hà Nội - hai trở lực chủ yếu trên con đường phát triển hiện nay.
Cùng với đó, tiếp tục phát triển đồng bộ, từng bước hiện đại kết cấu hạ tầng đô thị; đẩy nhanh tiến độ Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường sắt đô thị; dự án nhà ở xã hội; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ… Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút nhân tài. Xây dựng chính quyền đô thị; thành phố thông minh, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống ở cả vật chất và tinh thần; giải quyết những vấn đề về môi trường, quản lý đô thị...
Như Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò và xác định rõ trách nhiệm của Thủ đô với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đang tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế riêng có, xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng văn hiến, văn minh, hiện đại.
Để làm được điều đó, cùng với các kế hoạch cụ thể hóa, TP sẽ tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận ủng hộ của Nhân dân; bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp của cấp ủy với HĐND, UBND nhịp nhàng, đúng tinh thần “tiền hô, hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”, có trách nhiệm với công việc, với Thủ đô và nhất là khát vọng phát triển.
Với những chủ trương lớn đã, đang thực hiện, Hà Nội của tương lai sẽ ngày càng xứng đáng với niềm tin yêu và hy vọng của cả nước; thực sự là Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại như Nghị quyết số 15-NQ/TƯ (ngày 5/5/2022) của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra. Và khí phách, tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường không bao giờ lùi bước trước khó khăn của người Hà Nội vẫn tiếp tục soi đường, chính là điểm tựa, niềm tin và hy vọng để TP phát triển lên một tầm cao mới.
Bảo đảm an sinh xã hội là một vấn đề tiếp tục được TP Hà Nội chú trọng trong thời gian qua. Với việc triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững, đầu năm 2023, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025, toàn TP có 2.134 hộ nghèo, chiếm 0,095% tổng số hộ dân và 22.263 hộ cận nghèo, chiếm 0,99%; có 16 quận, huyện không có hộ nghèo. Riêng 3 quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Ba Đình không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Trước những yêu cầu nhiệm vụ đặt ra ngày càng lớn, nhằm khắc phục hạn chế tồn tại, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội. Đây là giải pháp đột phá, là nguồn động lực mới; khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; khơi dậy ý chí, khát vọng và tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm... Đây chính là điểm mấu chốt tạo sức sống mới cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; là cơ sở để Hà Nội tiếp tục cất cánh.