“Rào cản” nguyên liệu đầu vào
Theo Báo cáo “Tiến trình đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU” của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, Việt Nam có hơn 3.500 DN hoạt động trong lĩnh vực gỗ. Trong đó, lượng gỗ, sản lượng gỗ xuất khẩu sang EU chiếm 20% trên tổng sản lượng gỗ xuất khẩu của Việt Nam.
Năm 2014, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 6,2 tỷ USD, tăng hơn 11% so với con số 5,4 tỷ USD năm 2013 và đứng thứ 2 trong danh sách các quốc gia xuất khẩu đồ gỗ nhiều nhất khu vực châu Á. Theo dự báo, kim ngạch xuất khẩu gỗ trong năm 2015 sẽ tăng trưởng khoảng 15%, tương đương với 7 tỷ USD.
“Thời gian qua, xuất khẩu gỗ đã đạt được những thành tựu đáng kể và có sự phát triển về “chất”, đặc biệt các DN nội địa đã gia tăng thị phần lên ngang bằng với các DN FDI”, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP .Hồ Chí Minh (HAWA) đánh giá.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, DN xuất khẩu ngành gỗ đang và sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là những “rào cản” từ các yêu cầu ngày càng khắt khe tại các thị trường lớn, trong đó có EU.
Bà Nguyễn Tường Vân, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo VPA/FLEGT (Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết, theo các quy định Quản lý Nhà nước và Thương mại về rừng theo tiêu chuẩn châu Âu (FLEGT), sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU phải có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm, không được trộn lẫn các sản phẩm gỗ hợp pháp và gỗ chưa được xác minh.
“Thế nhưng, trên thực tế, hiện nay gỗ trong nước mới đáp ứng được khoảng 40-50% nhu cầu nguyên liệu đầu vào cho chế biến xuất khẩu, phần còn lại là nhập khẩu. Chính vì thế, DN gặp khó khăn trong việc xác định xem thị trường gỗ nhập khẩu có đáng tin cậy, có nguồn gốc gỗ hợp pháp không để ký hợp đồng nhập khẩu”, bà Vân nhấn mạnh.
Theo bà Vân, qua điều tra tình hình cho thấy, phần lớn DN chế biến gỗ nước ta hiện có quy mô vừa và nhỏ, việc thu mua gỗ của dân thường không lưu lại hồ sơ, giấy tờ mua bán không có hoặc có thì chỉ là giấy viết tay, không đầy đủ… Đây là một vấn đề lớn cần được giải quyết nhanh chóng trong thời gian tới.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2014, Việt Nam nhập 1,639 tỷ USD gỗ nguyên liệu. Rõ ràng, trong bối cảnh giá nhập khẩu gỗ tăng, chi phí vận chuyển tăng và quy định về nguồn gốc khi vào EU thì các DN chế biến gỗ trong nước khó cạnh tranh được với một số nước như Trung Quốc, Malaysia...
Cần loại bỏ gỗ lậu và DN làm ăn không chân chính
Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) thuộc Chương trình Thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU dự kiến sẽ kết thúc đàm phán vào cuối năm 2015, kỳ vọng mở ra cơ hội lớn cho DN xuất khẩu gỗ Việt Nam vào thị trường EU.
“Mục đích lớn nhất của Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU là nhằm đạt được một thỏa thuận tạo điều kiện cho các DN chế biến gỗ Việt Nam mở rộng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường EU. Như vậy, có thể khẳng định chắc chắn rằng, sau khi Việt Nam ký VPA/FLEGT, xuất khẩu gỗ vào thị trường 28 nước EU sẽ thuận lợi hơn, kỳ vọng sản lượng gỗ xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng lên đáng kể”, bà Vân khẳng định.
Bà Vân cho biết, đến nay, thách thức lớn nhất trong quá trình đàm phán là hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (TLAS) của nước ta là vừa phải đáp ứng được yêu cầu theo quy định quốc tế về truy xuất nguồn gốc gỗ, lại vừa không phát sinh thêm thủ tục hành chính cho DN.
Chính vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan quản lý thì cần có sự vào cuộc của các DN. Đặc biệt, đã đến lúc bản thân các DN trong ngành phải chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất, kinh doanh của mình trên cơ sở tuân thủ luật pháp.
“DN cần phải có những hiểu biết nhất định về VPA và hiểu rằng, đây không chỉ là “visa” cho gỗ Việt vào thị trường EU, mà còn là cơ hội để loại bỏ hoàn toàn gỗ lậu và những DN làm ăn không chân chính tại Việt Nam”, bà Vân nhấn mạnh.
Năm 2014, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của VN đạt 6,2 tỷ USD, tăng hơn 11% so với năm trước, đứng thứ 2 trong danh sách các quốc gia xuất khẩu đồ gỗ khu vực châu Á. Ảnh minh họa.
|
Nội dung chính của hiệp định Hiệp định VPA/FLEGT là Việt Nam phải xây dựng hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (gọi tắt là TLAS). Một hệ thong như vậy sẽ bao gồm 5 thành phần chính là: Định nghĩa gỗ hợp pháp; kiểm soát chuỗi cung ứng; xác minh tính tuân thủ về định nghĩa gỗ hợp pháp của các tổ chức và hộ gia đình; hệ thống cấp phép FLEGT và đánh giá độc lập. |