Trong suốt 15 năm, ngay từ khi ra đời, đứng trước tình hình làng nghề rơi vào khủng hoảng, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã xây dựng 6 chương trình hỗ trợ làng nghề, đó là: Chấn hưng và phát triển làng nghề; Phát triển DN làng nghề; Xúc tiến thương mại; Thông tin; Văn hóa, Du lịch làng nghề; Đối ngoại. 6 chương trình hiện đã và đang là mục tiêu xuyên suốt trong tổ chức hoạt động của Hiệp hội. Các chương trình hoạt động này đều rất phù hợp với những chương trình phát triển kinh tế xã hội của Nhà nước.
Qua những hoạt động sôi nổi, sâu rộng, uy tín, sức lan tỏa của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam được nâng cao. Các cơ quan quản lý Nhà nước tôn trọng và ghi nhận. Nhiều tổ chức xã hội - nghề nghiệp đánh giá cao. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nghệ nhân, thợ giỏi, thợ thủ công làng nghề tín nhiệm, tin cậy, coi là mái nhà chung của cộng đồng làng nghề cả nước.
Đến nay, Hiệp hội đã có 13.113 hội viên (trong đó có tới 32% là hội viên tổ chức), số hội viên trải đều 61/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Số hội viên được kết nạp qua từng nhiệm kỳ đều tăng. Việc phát triển hội viên đã góp phần mở rộng ảnh hưởng của Hiệp hội, đồng thời tăng cường thêm nguồn nhân lực cho các hoạt động. Mặt khác, qua việc số hội viên tăng, chứng tỏ Hiệp hội có tác dụng thiết thực với hội viên và hội viên tin tưởng và nhiệt tình hưởng ứng các hoạt động của Hiệp hội.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn gửi lời chúc mừng tới Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, đồng thời biểu dương, đánh giá cao kết quả mà Hiệp hội đã đạt được trong thời gian qua. Ông Trần Thanh Mẫn mong muốn, Hiệp hội sẽ cố gắng hơn nữa để khắc phục những khó khăn, hạn chế, vượt qua thách thức, tiếp tục kiện toàn tổ chức, tăng cường đoàn kết để nâng cao chất lượng và năng lực tư vấn, hỗ trợ hội viên.
Đặc biệt, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cần lấy hội viên làm trung tâm, hướng mọi hoạt động vào việc phục vụ hội viên và cộng đồng làng nghề tốt và hiệu quả. “Hiệp hội cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên và có những giải pháp thiết thực, cụ thể để phối hợp cùng các cơ quan hữu quan của Nhà nước từng bước giải quyết, tiến tới xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường ở các làng nghề trong thời gian sớm nhất”- ông Trần Thanh Mẫn đề nghị.
Chia sẻ về phương hướng, nhiệm vụ của Hiệp hội trong thời gian tới, Chủ tịch Hiệp Hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho biết: Hiệp hội sẽ tích cực hơn nữa việc giữ mối liên hệ với các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm phản ánh những vấn đề của làng nghề và tham gia việc đề xuất hoạch định cơ chế, bổ sung đổi mới những chính sách phù hợp; Khuyến khích phát triển thêm nghề, làng nghề. Đồng thời, tranh thủ thực hiện một số dự án cụ thể mà cơ quan Nhà nước có thể chuyển giao phù hợp với khả năng của Hiệp hội. Nghiên cứu, tìm giải pháp về các ứng dụng công nghệ tiên tiến cho các sản phẩm truyền thống nhằm nâng cao năng lực sản xuất, tiết kiệm năng lượng.
Khuyến khích, thúc đẩy phát triển sáng tạo mẫu mã mới, tổ chức các khoá đào tạo về tạo mẫu cho các hội viên, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng. Các hoạt động luôn hướng về hội viên, phục vụ hội viên, bảo vệ quyền lợi cho hội viên, tạo nên sức sống mới và có tổ chức trong các làng nghề nên luôn nhận được sự hưởng ứng từ cộng đồng làng nghề.
Tại lễ kỷ niệm, thay mặt Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thanh Mẫn đã trao tặng Huân chương Lao động Hạng ba cho Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.
Cũng tại buổi Lễ, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức phong tặng các danh hiệu làng nghề Việt Nam lần thứ IX, năm 2020 cho các hội viên, các nghệ nhân tiêu biểu.