Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệp ước an ninh mới của Trung Quốc "dậy sóng" Thái Bình Dương

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung Quốc đã tuyên bố ký một hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon, bất chấp việc Mỹ và Australia gia tăng lo ngại về thỏa thuận mang tính bước ngoặt, có thể dẫn đến việc Bắc Kinh thiết lập một căn cứ quân sự ở Thái Bình Dương.

Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dự một buổi ký kết tại Bắc Kinh năm 2019. Ảnh: Getty
Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dự một buổi ký kết tại Bắc Kinh năm 2019. Ảnh: Getty

Trong một cuộc họp báo mới đây tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Quần đảo Solomon Jeremiah Manele đã ký thỏa thuận khung liên chính phủ về hợp tác an ninh giữa hai nước.

Theo thỏa thuận, hai nước "sẽ tiến hành hợp tác trong các lĩnh vực như duy trì trật tự xã hội, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân, hỗ trợ nhân đạo và ứng phó với thiên tai, với nỗ lực giúp Quần đảo Solomon tăng cường xây dựng năng lực bảo vệ an ninh của chính mình" - Tân Hoa Xã đưa tin.

Tin tức được đưa ra trong bối cảnh Australia, Mỹ và New Zealand lo ngại rằng thỏa thuận an ninh sẽ bao gồm việc thiết lập một căn cứ quân sự, tương tự như thỏa thuận mà Trung Quốc đã ký với quốc gia châu Phi Djibouti vào năm 2017.

Chi tiết của hiệp ước vẫn chưa được công khai. Tuy nhiên theo SCMP, một dự thảo bị rò rỉ của hiệp ước bao gồm các điều khoản cho cảnh sát Trung Quốc duy trì trật tự xã hội và cho các tàu hải quân Trung Quốc bổ sung ở quần đảo Solomon - báo động cho Australia về khả năng quân đội Trung Quốc hiện diện trong khoảng cách gần chưa đầy 2.000km.

Theo Mỹ, một phái đoàn của nước này do điều phối viên Ấn Độ - Thái Bình Dương Kurt Campbell dẫn đầu sẽ bay đến thủ đô Honiara của Solomon trong tuần này. Các cuộc thảo luận sẽ bao gồm về thỏa thuận đang gây tranh cãi, cũng như việc mở lại đại sứ quán Mỹ. Các quan chức Mỹ được cho là sẽ tới nước này để gây áp lực lên quốc đảo nhằm vô hiệu hóa thỏa thuận.

BBC dẫn lời các nhà phân tích an ninh nhận định rằng, hiệp ước an ninh lần này tiết lộ ý định rõ ràng của Trung Quốc trong khu vực. Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho biết, Canberra "thất vọng" và "lo ngại về sự thiếu minh bạch mà hiệp định này đã được xây dựng", đồng thời lưu ý rằng nó có khả năng "làm suy yếu sự ổn định trong khu vực của chúng ta".

Về phần mình, Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare hôm nay (20/4) phát biểu trước Quốc hội rằng hiệp ước an ninh với Trung Quốc sẽ không làm suy yếu hòa bình trong khu vực.

Trong khi các nhà lập pháp của Quần đảo Solomon kêu gọi Chính phủ công khai các điều khoản trong hiệp ước an ninh với Bắc Kinh, Thủ tướng Sogavare cho biết hiệp ước sẽ được tiết lộ sau "một quy trình", đồng thời nói thêm rằng hợp tác an ninh với Trung Quốc không nhắm vào bất kỳ quốc gia hay liên minh bên ngoài nào, mà "thay vào đó là tình hình an ninh nội bộ của quốc gia".

Ông nói: "Tôi yêu cầu tất cả các nước láng giềng, bạn bè và đối tác của chúng tôi tôn trọng các lợi ích có chủ quyền của Quần đảo Solomon với sự đảm bảo rằng quyết định này sẽ không gây tác động bất lợi hoặc phá hoại hòa bình và sự hài hòa của khu vực".

Trước đó, ông Sogavare từng đảm bảo trước Quốc hội Solomon rằng hiệp ước sẽ không bao gồm việc cho phép một căn cứ quân sự của Trung Quốc được thiết lập tại quốc đảo Thái Bình Dương.