Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiếu học và khổ học

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để tạo nên truyền thống hiếu học, không chỉ là ham muốn, sở thích, hành động, cố gắng của một con người trong tổng thể, mà còn là điều kiện sống, nền tảng kinh tế, thiết chế chính trị xã hội, rộng hơn là thiết chế tinh thần xã hội cũng như đặc thù vận động lịch sử của cả cộng đồng.

1. Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ thường nhắc định đề: Tiếng nói kéo con người ra khỏi động vật và chữ viết đã giúp con người thoát khỏi tình trạng dã man, tiến lên thời kỳ văn minh.
Khi chưa sáng tạo ra chữ viết, con người ta sống trong không gian văn hóa truyền miệng. Để truyền đạt sự hiểu biết thế giới, để truyền đạt kinh nghiệm thực sinh, để tích lũy tri thức cộng đồng, người ta dùng trí nhớ cá nhân và tiếng nói. Những thể loại văn học dân gian hình thành và lưu truyền, tồn tại đến ngày nay.
Ngày nay, vẫn còn những thị tộc, bộ lạc chưa có chữ viết. Họ kém phát triển về mọi mặt, chưa kể trong trường kỳ lịch sử, nhiều tiếng nói cũng như nhiều tộc người đã vĩnh viễn mất đi. Thế kỷ XV, Nguyễn Trãi thiết tha viết: “Như nước Đại Việt ta/Thực là một nước văn hiến”. Lời khẳng quyết đó là một định đề tổng kết lịch sử và cũng là một định hướng, một khát vọng muôn đời của một quốc gia độc lập.
Từ xưa đến nay, dù có những hiệu quả khác nhau nhưng động cơ làm nên đức tính hiếu học là hoàn toàn như nhau. Đó là học để hạnh phúc con người cần có tiện nghi, hiểu biết, tôn trọng, sáng tạo, tự do… đó là cái mà con đường học hành sẽ đem đến cho con người trên thế gian này. Hài hòa các hạnh phúc đó là khát vọng lý tưởng mà việc học đem lại. Hiếu học suy cho cùng là vì thế. Nhưng trên thực tế, không phải ai cũng đạt được tất cả mọi ước vọng.
2.Lịch sử Việt Nam có 4 cơ hội lớn phát huy truyền thống hiếu học.
Cơ hội thứ nhất là thế kỷ X, khi đất nước thực sự độc lập, quốc gia phong kiến Đại Việt ra đời. Chữ Hán được giảng dạy và chữ Nôm manh nha ra đời. Cơ hội này được các vĩ nhân biến thành thời cơ và các nhân cách văn hóa lớn là đại diện: Trần Nhân Tông (đời Trần), Nguyễn Trãi (đời Lê), Nguyễn Du (đời Nguyễn).
Tuy nhiên, nó thành công trong việc bảo vệ độc lập và phát triển văn hóa mang bản sắc dân tộc nhưng nó cũng đối diện muôn vàn thách thức: Khí hậu khắc nghiệt, tài nguyên hiếm hoi, chiến tranh liên miên, bệnh tật lan tràn. Sự nghèo đói với nhiều thiên tai, chiến tranh với muôn địch họa… đã cản trở sự phát triển thực tế của tinh thần hiếu học. Học để làm quan, để thoát khỏi cuộc đời làm lụng khốn khó là mục đích nổi trội của truyền thống hiếu học thời kỳ này.
Cơ hội thứ hai là việc ra đời của chữ quốc ngữ theo ký tự la tinh cùng với việc tiếp xúc với văn hóa phương tây. Cơ hội này kéo dài từ thế kỷ XVII đến nửa đầu thế kỷ XX. Quốc gia Việt Nam có được một hệ thống chữ viết của riêng mình, tiện lợi và dễ dàng để thực hiện tinh thần hiếu học. Kết quả là lần đầu tiên, một đội ngũ trí thức đúng nghĩa ra đời, quyết liệt đem tri thức, tinh thần và cả cuộc đời của mình khai sáng văn minh, canh tân xã hội cũng như bảo vệ độc lập dân tộc. Những trí thức đầu thế kỷ XX được đào luyện trong cả hai truyền thống phương Đông và phương Tây vẫn có ảnh hưởng quyết định đến nền tảng, đến học phong cả trong thời đại hiện nay.
Cơ hội thứ ba là Cách mạng tháng Tám năm 1945 giải phóng dân tộc và thành lập chính thể chính quyền Nhân dân mới. Chủ trương xóa nạn mù chữ cũng như việc thực thi chủ trương này đạt được những kỳ tích cho một quốc gia mà trước đó còn chưa có tên trên bản đồ thế giới. Vượt qua thử thách của chiến tranh ác liệt của nửa thế kỷ XX, thành tựu của nó là không thể phủ nhận. Chúng tôi được học hành dưới ánh sáng lan tỏa của cơ hội thứ ba này.
Cơ hội thứ tư, rộng lớn nhất, đang diễn ra những ngày hôm nay, có thể tính từ 1991, khi liên lạc internet đầu tiên được gửi từ Việt Nam sang Australia. Việc kết nối mạng toàn cầu hiện nay mở ra cơ hội thuận tiện vô song cho khát vọng học tập, cho truyền thống hiếu học.
Chỉ có tiến tới chứ không vì bất cứ lý do gì mà bỏ qua cơ hội này. Không thể không vui mừng khi một thanh niên nông dân, lúc nông nhàn làm cửu vạn, ấy thế mà tự mình trong một năm, mở Iphone tính toán, đã tự xây trên đất ông bà một biệt thự. Họ học trên mạng thôi.
3. Thầy tôi, GS Bùi Duy Tân - một nhà nghiên cứu có nhiều thành tựu, trước khi mất, thầy nắm tay tôi mà nói: “Học nó có dòng các anh ạ. Các anh như anh Nguyễn Văn Huyên, anh Phan Ngọc, anh Ngyễn Tài Cẩn, anh Trần Đình Hượu, anh Cao Xuân Hạo… là có dòng cả đấy. Thầy thì chỉ có hai chữ “khổ học” thôi, lấy cần cù bù khả năng, năng nhặt thì chặt bị thôi. Các anh cũng vậy, cứ có công mài sắt đi thì rồi cũng có ngày nên kim. Vấn đề là đừng ham chơi quá, lớn cả rồi, tập trung vào mà làm, còn nhiều việc lắm đấy”.
Tôi ngẫm mãi về điều thầy tôi nói. Đúng là “có dòng”: Một cá nhân, gia đình, gia tộc cũng có dòng, một vùng miền cũng có dòng, và cả một quốc gia cũng có dòng. Nhưng thế hệ các thầy tôi, dù có dòng hay không nhưng họ đã trải qua những năm tháng khốn khó nhất, nguy hiểm nhất để tự đào luyện trong bể học, họ đều là những người “khổ học” cả. Kỷ niệm về các thầy là kỷ niệm về một thế hệ nghèo đói, khó khăn, kham khổ để học và dạy. Họ đâu được như chúng ta hôm nay.
Vấn đề ở đây là, một thiết chế xã hội tạo nên sự công bằng cơ hội cho người học để cái “dòng hiếu học” nó được khơi thông, tuôn chảy tự nhiên.