Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh:

Hiệu quả của hoạt động “báo động đỏ nội viện và liên viện”

Văn Dũng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/12 Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 5 năm qua từ khi triển khai quy trình hoạt động “báo động đỏ nội viện và liên viện”, ngành y tế TP đã đã cứu sống hơn 3.700 bệnh nhân nguy kịch. 

Điều trị bệnh nhi tại Khoa nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 theo quy trình báo động đỏ liên viện. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Điều trị bệnh nhi tại Khoa nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 theo quy trình báo động đỏ liên viện. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong giai đoạn từ năm 2013-2023, ngành y tế TP đã không ngừng cải tiến chất lượng khám chữa bệnh và đã đạt được nhiều kết quả nhất định với các hoạt động nổi bật. 

Đặc biệt, 5 năm qua (2018-2023) nhờ áp dụng quy trình “báo động đỏ nội viện và liên viện” tại các bệnh viện đã cứu sống gần 3.700 lượt bệnh nhân. Trong đó, bệnh nhân cứu sống nhờ báo động đỏ nội viện là 3.500 ca, báo động đỏ liên viện là 160 ca.

Trước đó, năm 2016, Sở Y tế đã triển khai quy trình "báo động đỏ liên viện" nhằm kịp thời cứu sống nhiều trường hợp nguy kịch mạng sống. 

Cụ thể, theo kế hoạch, quy trình hoạt động “báo động đỏ nội viện và liên viện” là khi có trường hợp cấp cứu nặng, vượt quá khả năng chuyên môn, cần huy động chuyên gia, các bệnh viện kích hoạt báo động đỏ liên viện để tập hợp sức mạnh hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia đầu ngành, tận dụng thời gian vàng để cấp cứu bệnh nhân.

Quy trình này bắt đầu thực hiện từ tháng 4/2016 tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Sau đó, quy trình này được Sở Y tế nhân rộng trên toàn TP, thành báo động đỏ liên viện. Cũng từ năm 2016, Bộ Y tế đã bổ sung quy trình báo động đỏ nội viện và liên viện vào Bộ tiêu chí chất lượng Bệnh viện tại Việt Nam (tiêu chí A1.4), xem đây là một trong những tiêu chí chất lượng bắt buộc trong cấp cứu người bệnh mà các Bệnh viện trong cả nước cần phải đạt được. Quy trình này đã mang lại hiệu quả rất tích cực khi đã cứu được hàng chục nghìn bệnh nhân nguy kịch trước lưỡi hái tử thần.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn từ năm 2016-2023 nhiều công trình ngành y tế đã được xây dựng, cải tạo nâng cấp, hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện, tạo tiền đề phát triển y tế chuyên sâu như: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học cơ sở 2, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2…

Năm 2023 là năm cột mốc đánh dấu việc chấm dứt hình ảnh quá tải nghiêm trọng của hai bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của TP và cả khu vực phía Nam (Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Nhi đồng 1).

Thay vào đó là hình ảnh các bệnh nhi và người bệnh được chăm sóc trong các khoa, phòng mới thật khang trang, hiện đại tại cơ sở mới của Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh và hai khối nhà là Trung tâm phẫu thuật nhi và Trung tâm sơ sinh của Bệnh viện Nhi đồng 1.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh đã hình thành mạng lưới với 40 trạm cấp cứu vệ tinh. Triển khai mô hình cấp cứu bằng xe 2 bánh. Trong thời gian tới, hành phố sẽ tiếp tục đầu tư để mở thêm hai trạm cấp cứu vệ tinh đường thủy và đường hàng không.

Ngoài các hoạt động trên, trong 10 năm (2013-2023) ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã triển khai thêm một số hoạt động nổi bật như: thành lập Hội đồng quản lý chất lượng khám chữa bệnh, bao gồm những chuyên gia và nhà quản lý bệnh viện có nhiều kinh nghiệm; ra mắt kho dữ liệu phác đồ điều trị với gần 2.400 phác đồ.

Sở Y tế Hồ Chí Minh cũng cho biết, trong từ năm qua, điểm chất lượng tại các bệnh viện trên địa bàn TP tăng dần qua các năm.

Cụ thể, nếu như trong những năm 2013, 2014 chỉ có 1 bệnh viện có điểm trung bình từ 4.0 trở lên (theo thang điểm 5) thì đến năm 2023, con số này đạt đến 37 bệnh viện.

Sau những thành công đó, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đang phấn đấu trở thành trung tâm sức khỏe của khu vực ASEAN nói riêng và thế giới nói chung…