Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệu quả của việc duy trì chính sách lãi suất 0% với tiền gửi USD

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc áp dụng chính sách lãi suất 0% với tiền gửi USD đã khiến tỷ lệ "đô la hóa" trong nền kinh tế giảm mạnh, theo Ngân hàng Nhà nước.

Nhiều năm qua, để bảo đảm nắm giữ VND có lợi hơn USD, Ngân hàng Nhà nước tập trung kiên định triển khai trong điều hành chính sách tiền tệ thông qua công cụ lãi suất và tỷ giá.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng trần lãi suất tiền gửi USD 1%/năm đối với tổ chức vào năm 2010 và 3%/năm đối với cá nhân năm 2011 và điều chỉnh giảm dần về mức 0%/năm từ cuối năm 2015.

Các chuyên gia đánh giá cao các biện pháp chống đô la hóa cũng như chính sách lãi suất 0% với tiền gửi bằng USD của Ngân hàng Nhà nước. Thực tế, thị trường tiền tệ những năm qua đã chứng minh chính sách lãi suất 0% với tiền gửi USD đã và đang phát huy hiệu quả, qua đó góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, giảm tỷ lệ "đô la hóa", tăng dự trữ ngoại hối và tác động đến luồng kiều hối cũng như dòng vốn FII và FDI…

Theo thống kê, tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán giảm từ mức 11,06% năm 2014 xuống khoảng 6,05% tính đến tháng 6/2024; tín dụng ngoại tệ trên tổng tín dụng có xu hướng giảm…

Chủ trương của các cơ quan chức năng là điều hành chính sách tiền tệ hướng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chống đô la hóa, từng bước chuyển dần quan hệ huy động - cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua - bán, từ đó nâng cao vị thế của VND.

Thời gian qua, trên thị trường ngoại hối, quan hệ huy động - cho vay đang chuyển dẫn sang quan hệ mua - bán ngoại tệ, từ đó, nâng cao vị thế VND. Nguồn huy động ngoại tệ đáp ứng nhu cầu sử dụng ngoại tệ trong nước, thể hiện qua hệ số tín dụng/huy động ngoại tệ dưới 100% và giảm đều qua các năm từ mức 77,43% năm 2016 xuống mức 52,65% đến tháng 6/2024.

Theo phân tích của giới chuyên gia, việc kiên định duy trì mức lãi suất 0% đối với tiền gửi bằng đồng USD đã trở thành giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho mục tiêu ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và tăng giá trị VND, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nước ta đã chuyển sang một vị thế mới. Ngay từ đầu, Ngân hàng Nhà nước đã có kế hoạch và lộ trình rõ ràng đối với việc duy trì hướng đến đưa lãi suất USD về 0%.

Mặc dù còn tồn tại một vài bất cập, song những khó khăn này có thể điều chỉnh được và nhìn chung, công tác điều hành chính sách lãi suất và ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước đã cho thấy tác động tích cực đến nền kinh tế vĩ mô.

Ba nguyên nhân để ủng hộ chính sách giữ nguyên lãi suất USD 0%, đã được các chuyên gia đưa ra.

Thứ nhất, trong ngắn hạn, nếu thay đổi lãi suất USD thì thị trường sẽ nhìn nhận như một giải pháp tình thế, sẽ có tác động tiêu cực.

Thứ hai, trong trung hạn, nhìn vào chính sách tiền tệ của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), mặc dù lãi suất USD cao trên 5% nhưng trung hạn, Fed kiên định kiểm soát lãi suất khoảng 2%, trong trung hạn lãi suất đồng USD liên ngân hàng trên thị trường Mỹ sẽ ở mức khoảng 2,25 - 2,3%, vì thế có thể duy trì trung hạn lãi suất tiền gửi đô la 0%.

Thứ ba, trong dài hạn, chúng ta theo định hướng kiên định chuyển từ huy động - cho vay ngoại tệ sang mua - bán ngoại tệ, từ đó nâng cao vị thế của VND.

Từ những phân tích trên, nhiều ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục duy trì và thực hiện đánh giá toàn diện chính sách 0% với lãi suất tiền gửi USD trong thời gian tới.

Điều này làm giảm tình trạng “đô la hóa”, nâng cao giá trị đồng Việt Nam, tăng dự trữ ngoại hối. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục nghiên cứu để thực hiện đúng chủ trương giảm "đô la hóa" của Đảng và Nhà nước đã đề ra, đồng nghĩa với việc giảm sự "hấp dẫn" của việc nắm giữ đồng đô la trong tương lai.