Hiệu quả mô hình Ban chỉ huy, nhà tránh trú tiếp cận người khuyết tật

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Nhờ mô hình Ban chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) có thành viên là người khuyết tật (NKT) và nhà tránh trú tiếp cận NKT, giờ đây những người yếu thế trong các xã của huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình có thể làm chủ được quá trình của mình và phát triển hơn trong các mảng khác.

Người khuyết tập tham gia Ban phòng chống thiên tai

Huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai nhưng chính quyền địa phương mới chỉ đánh giá mức độ rủi ro ở cấp huyện đến cấp xã; chưa đánh giá cụ thể, chi tiết đến các khu dân cư. Về phía NKT, khi thiên tai và BĐKH xảy ra, họ bị tổn thương kép. Bởi NKT chưa được tiếp cận các thông tin, kinh nghiệm, lớp tập huấn để chống chọi, có phương án di dời, sơ tán, ứng phó. Điều này đồng nghĩa với NKT mất đi cơ hội làm chủ và tự bảo vệ mình trong lúc thiên tai xảy ra; không có cơ hội được tham gia một cách chủ động và toàn diện vào hoạt động PCTT và biến đổi khí hậu.

Nhờ có Dự án “Thúc đẩy phát triển hòa nhập của người khuyết tật và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình” , 3 xã (Cúc Phương, Kỳ Phú và Thạch Bình) kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai với thành viên là người khuyết tật. Ảnh: Phạm Hùng.
Nhờ có Dự án “Thúc đẩy phát triển hòa nhập của người khuyết tật và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình” , 3 xã (Cúc Phương, Kỳ Phú và Thạch Bình) kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai với thành viên là người khuyết tật. Ảnh: Phạm Hùng.

Tuy nhiên, Dự án “Thúc đẩy phát triển hòa nhập của NKT và xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình” do Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội – AFV thực hiện từ năm 2018 đã đưa các xã ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình trở thành nơi có công trình công cộng thân thiện với NKT, đem đến sinh kế cho hàng nghìn NKT và gia đình họ. “Qua 4 năm tổ chức thực hiện Dự án, chúng tôi đánh giá mô hình này hết sức thiết thực và hiệu quả cho địa phương. Đó là sự thay đổi về nhận thức của chính quyền địa phương khi xây dựng phương án và kế hoạch PCTT. Lần đầu tiên, NKT ở địa phương là thành viên của Ban chỉ huy PCTT và được tham gia xây dựng kế hoạch, phương án PCTT từ quy mô nhỏ nhất ở thôn, xã, huyện...” – Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan Đinh Văn Trang cho hay.

Lần đầu tiên, người khuyết tật là thành viên của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và được tham gia xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai từ quy mô cấp thôn, xã, huyện. Ảnh: Phạm Hùng.
Lần đầu tiên, người khuyết tật là thành viên của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và được tham gia xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai từ quy mô cấp thôn, xã, huyện. Ảnh: Phạm Hùng.

Hiện tại huyện Nho Quan đã có 41 thôn, 3 xã (Cúc Phương, Kỳ Phú và Thạch Bình) đã kiện toàn Ban chỉ huy PCTT với thành viên là NKT. Để có được kết quả này, Dự án đã tổ chức các bước thực hiện bài bản, đầu tiên là đánh giá, tìm kiếm những bằng chứng cho thấy mức độ dễ bị tổn thương, khả năng chống chịu, tham gia của NKT trong công tác PCTT. Tiếp đến là tổ chức đối thoại cấp thôn, xã và huyện để vận động, kiện toàn Ban chỉ huy PCTT các cấp có thành viên là NKT. Cùng với đó là tập huấn về phát triển hòa nhập trong PCTT và các công cụ xây dựng kế hoạch PCTT có hòa nhập NKT. Về phía huyện Nho Quan đã ban hành quyết định kiện toàn Ban chỉ huy PCTT cấp thôn, xã, trong đó bổ sung NKT là thành viên. Ban chỉ huy cấp thôn có 1 thành viên là NKT, cấp xã có 2 thành viên là NKT.  Huyện Nho Quan đã có quyết định chính thức lồng ghép kế hoạch PCTT có hòa nhập NKT vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Người khuyết tật chủ động phòng chống thiên tai

Cùng với việc là thành viên của Ban chỉ huy PCTT các cấp, những NKT còn được tham gia mô hình Nhà tránh trú thiên tai đảm bảo tiếp cận cho NKT. Chị Đinh Thị Hường – Phó Chủ tịch Hội NKT huyện Nho Quan phấn khởi chia sẻ: Tôi thấy cái hay và ấn tượng mà Dự án mang đến cho huyện Nho Quan và 3 xã đó là mô hình nhà tránh trú thiên tai được thực hiện theo các bước đều có sự tham gia của NKT. Bước thứ nhất, là kiểm toán xã hội xác định mức độ tiếp cận của công trình. Bước hai là tham vấn, lấy ý kiến của NKT về các vị trí, thiết kế, nguồn lực,... xây dựng mô hình. Bước ba, thi công với sự giám sát của cộng đồng và Chi hội NKT huyện Nho Quan. Chi hội NKT huyện Nho Quan còn được tham gia nghiệm thu tiếp cận công trình nhà tránh trú.

7 nhà tránh trú thiên tai được trang bị thiết bị phù hợp với nhu cầu của người khuyết tật và bố trí chỗ để hợp lý giúp người ngồi xe lăn có thể tiếp cận. Ảnh: Phạm Hùng.
7 nhà tránh trú thiên tai được trang bị thiết bị phù hợp với nhu cầu của người khuyết tật và bố trí chỗ để hợp lý giúp người ngồi xe lăn có thể tiếp cận. Ảnh: Phạm Hùng.

Nhờ có sự tham gia của NKT vào xây dựng mô hình nhà tránh trú thiên tai nên tất cả 7 điểm tránh trú đều tiếp cận phù hợp với những dạng tật. Nhà tránh trú có đường đi lên xuống cho NKT vận động dùng xe lăn; có biển chỉ báo dẫn đường, chỉ báo thoát hiểm, chỉ báo thiết bị dành cho người khiếm thị; có đèn báo hiệu, còi báo hiệu địa điểm dành cho người khiếm thính. Cùng với đó là những tài liệu hướng dẫn PCTT được treo ở các khu vực mà NKT dễ tiếp cận và tìm hiểu. 7 điểm tránh trú thiên tai còn được trang bị thiết bị đầy đủ, phù hợp với nhu cầu của NKT như: Đèn pin, máy phát điện, áo phao, đèn tín hiệu, áo mưa, chuông báo, phao cứu sinh, dây thừng, ủng đi mưa, mũ bảo hộ, loa cầm tay, máy phát điện, ắc quy tích điện.. Các dụng cụ này được để rất hợp lý để NKT ngồi xe lăn có thể tiếp cận được. Ngoài ra, sau khi nhà tránh trú được bàn giao cho địa phương, Ban quản lý dự án đã cấp thêm cho 27 thôn các trang thiết bị cơ bản phục vụ công tác PCTT.

Dự án đã hỗ trợ các xã ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình có công trình công cộng thân thiện với người khuyết tật, đem đến sinh kế cho hàng nghìn người khuyết tật và gia đình họ. Ảnh: Phạm Hùng.
Dự án đã hỗ trợ các xã ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình có công trình công cộng thân thiện với người khuyết tật, đem đến sinh kế cho hàng nghìn người khuyết tật và gia đình họ. Ảnh: Phạm Hùng.

Với mô hình Ban chỉ huy PCTT có NKT và Nhà tránh trú thiên tai tiếp cận NKT, bà Vũ Thị Tuyết Mai - đại diện Tổ chức Phát triển quốc tế BCM cho rằng, NKT được hòa nhập trong cộng đồng mà cả cộng đồng được phát triển với nhau, nâng cao về kiến thức, kỹ năng, cũng như nguồn lực. Đây là hướng phát triển lâu dài khi bản thân họ tự làm chủ được quá trình của mình, có kiến thức, kỹ năng. Cùng với việc được cung cấp các nguồn lực cần thiết, NKT có thể mở rộng không chỉ là xây dựng cộng đồng có thiên tai mà phát triển hơn nữa trong các mảng khác. Từ hiệu quả của Dự án, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi khẳng định: NKT có thể tham gia rất hiệu quả trong lập kế hoạch PCTT và thích ứng với BĐKH. Nếu các địa phương lồng ghép chương trình này vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương thì NKT có thể tham gia thực hiện và giám sát kế hoạch một cách hài hòa và bền vững.