Thursday, 09:21 26/11/2015
Hiệu quả từ sự thông thoáng
Kinhtedothi - Chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, sau 5 tháng triển khai, về cơ bản Luật DN sửa đổi đã đi vào cuộc sống và được cộng đồng đón nhận.
Tình hình đăng ký DN đã có những cải thiện đáng kể, số DN đăng ký thành lập mới đạt 40.880 DN, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Cởi trói việc tự do kinh doanh
Bên cạnh số lượng DN thành lập mới gia tăng nhanh chóng với tốc độ cao như trên, số DN đang hoạt động mở rộng sản xuất, tăng vốn kinh doanh cũng tăng mạnh, cho thấy tín hiệu niềm tin của DN vào cơ hội kinh doanh đã có sự thay đổi, ghi nhận thành công ban đầu của Luật. Một trong những lý do chính khiến số lượng DN thành lập mới tăng mạnh là vì thời gian cấp đăng ký thành lập DN mới trên thực tế được rút ngắn còn 2,9 ngày, trong khi Luật quy định tối đa là 3 ngày. Thời gian cấp đăng ký thay đổi hoạt động DN trung bình còn 2,47 ngày. Sự thay đổi này được xem là một đột phá và chính điều đó đã giúp DN giảm tối đa chi phí và thời gian thành lập DN.
Ngoài ra, theo ông Phan Đức Hiếu - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), từ ngày 1/7/2015, với Luật DN mới, việc kinh doanh theo đúng ngành nghề ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký DN đã được bãi bỏ. Điều đó có nghĩa các DN được tự do kinh doanh trong các ngành nghề mà Luật không cấm. Trước đây, DN có hạn chế là chỉ được kinh doanh ngành nghề ghi trên giấy đăng ký kinh doanh, được tự do kinh doanh trong lĩnh vực mà Nhà nước không cấm, nhưng cũng gây nhiều phiền hà cho DN do thủ tục khá phức tạp, nhiêu khê. Tuy nhiên, hiện nay, tất cả thủ tục đăng ký một chiều, chỉ khi DN bị từ chối mới được thông báo. Đồng thời, dấu do DN sử dụng nhưng chưa đăng ký vẫn được coi là hợp pháp và chỉ vi phạm thủ tục hành chính về thông báo mẫu dấu…
Tiếp tục để hoàn thiện
Lãnh đạo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thừa nhận, do Luật DN sửa đổi có nhiều cải cách nên không tránh khỏi khó khăn bước đầu khi thực hiện, trong đó có việc ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật chậm. Thực tế, bản thân Luật hàm chứa nhiều quy định chi tiết, nên về cơ bản có thể trực tiếp áp dụng mà không cần chờ Nghị định. Tuy nhiên, một thực tế được ghi nhận là số lượng hồ sơ đăng ký DN tăng lên so với cùng kỳ đã “vô tình” tạo áp lực lên cơ quan quản lý, gây quá tải, đặc biệt là tại những TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Theo phản ánh của một nhân viên Phòng Đăng ký kinh doanh số 1, Sở KH&ĐT Hà Nội: Số lượng hồ sơ tăng hơn 40% so với trước, nhiều công việc trước đây DN phải làm thì nay cơ quan Nhà nước phải “gánh” như đăng ký DN FDI, thủ tục con dấu...
Trong khi đó, theo ông Hoàng Trọng Giáp - Giám đốc Công ty Tư vấn luật Hoàng Sa, Luật DN mới vẫn bộc lộ nhiều bất cập. Ví dụ như DN có thể tự lựa chọn ngành nghề đăng ký kinh doanh nhưng cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn yêu cầu phải trình bản xác nhận ngành nghề, DN vẫn phải kê khai. Việc thông báo mẫu dấu cũng mất nhiều thời gian, khoảng 4 ngày, gây khó khăn cho DN.
Trước những thực tế trên, TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM khẳng định, điều quan trọng nhất mà Luật DN sửa đổi cùng với Luật Đầu tư 2014 đã làm được là triệt tiêu, giảm thiểu “kinh doanh trái phép”, đảm bảo an toàn để DN yên tâm kinh doanh dài hạn, từ đó phát triển kinh tế và hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, ông Cung bày tỏ lo ngại, nếu hệ thống công nghệ thông tin không được cải thiện thì những “điểm sáng” của Luật sẽ khó thực hiện được vì… quá tải!
![]() Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
|