Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiểu thế nào về “chân trong, chân ngoài”?

Quốc Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Nhìn chung, việc sửa đổi lần này tập trung chủ yếu là vấn đề kỷ luật công chức, viên chức đã nghỉ chế độ, còn về các khía cạnh khác như đạo đức của cán bộ công chức, viên chức, tôi cũng không thấy có gì đặc biệt lắm.
Chúng ta đều hiểu, Luật pháp hiện hành đối với công chức và viên chức không ai ngăn cấm chuyện người ta làm việc theo lối “chân trong, chân ngoài”, vì trong thực tế, còn biết bao người có gia cảnh khó khăn, đông miệng ăn nên phải làm thêm ngoài giờ mới đủ sống.
Thế nhưng, việc làm đó phải là thứ không liên quan gì đến công việc ở công sở, có thể lợi dụng nó cho việc làm ra tiền của cho người đó (trực tiếp) cũng như gia đình người đó (gián tiếp). Tất nhiên, chúng ta cũng không chấp nhận ai đó “chân ngoài dài hơn chân trong” ở khía cạnh họ bị tiêu tốn quá nhiều sức lực, thời gian trong việc làm thêm, để rồi khi làm việc cho cơ quan chính thức thì bị ảnh hưởng vì sức lực bị tổn hao. Bởi cần phải hiểu, sức khỏe, thời gian của họ cũng chính là tài sản của Nhà nước.
Nếu như hành vi “chân trong, chân ngoài” mà cán bộ, công chức, viên chức lại dính dáng đến quyền lực hoặc quyền lợi (không chỉ là người có chức vụ mà kể cả công chức, viên chức trơn), nhờ vị trí công tác, người ta có thể lợi dụng làm ăn thì rõ ràng điều đó không thể chấp nhận.
Cách đây một vài năm, báo chí từng bình luận nhiều về hiện tượng mấy quan chức công tác tại Bộ Công Thương, tỉnh Đồng Nai có “sân sau”. Người ta coi đó là những ví dụ điển hình của loại “chân ngoài” kiếm được hợp đồng là nhờ có “chân trong”. Đó là trường hợp ông Hà Quốc Quân, khi đó là Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư và chuyển giao giao công nghệ thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam, đơn vị tư vấn cho chính Dự án nhấn chìm 1 triệu mét khối bùn xuống biển Bình Thuận của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 làm xôn xao dư luận. Điều được coi như ví dụ điển hình của dạng “sân sau” chính từ cái “chân ngoài” đó.
Hay đó là chuyện bà Phan Thị Mỹ Thanh đã bị bãi miễn Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai và đại biểu Quốc hội vào năm 2018, bị cách chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cũng vì lợi dụng cương vị công tác qua các thời kỳ để gia đình hưởng lợi trong làm ăn.
Cụ thể nhất là với cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh (từ tháng 6/2011 đến tháng 9/2014), bà Thanh đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công, ký nhiều văn bản liên quan đến dự án đầu tư trái quy định, có biểu hiện tư lợi cho DN của gia đình mình do chồng bà ta đứng tên. Ông này là chủ sở hữu nhiều DN trong tỉnh. DN dính bê bối, dẫn đến việc bà mất chức chính từ việc bà ký đền bù trong một dự án BOT cho HTX An Phát của chồng bà ta không thông qua tập thể, trái nguyên tắc...
Như vậy, rõ ràng đây là những việc không thể chấp nhận bởi “lợi ích nhóm” cũng sẽ từ đó mà ra. Người ta không thể có chuyện “toàn tâm toàn ý” trong công tác một khi “sân sau” của người ấy là như thế.
Điều 15 về đạo đức công vụ của cán bộ, công chức trong Luật Cán bộ Công chức được Quốc hội ban hành năm 2008 yêu cầu người cán bộ phải... “chí công vô tư trong hoạt động công vụ”... Tôi tin rằng điều này sẽ không thể có được trong hai ví dụ cụ thể vừa dẫn ở trên.
Việc công chức, viên chức với cảnh “chân trong, chân ngoài” có thể còn rất lâu nữa mới chấm dứt do chế độ lương của nhà nước ta chưa đủ đáp ứng cuộc sống của gia đình họ, nhưng việc họ làm thêm phải hoàn toàn không liên quan gì tới việc người đó làm tại công sở nhà nước.
Chúng ta không chấp nhận những người nào lợi dụng vị trí công tác trong bộ máy Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội... của mình rồi kéo dự án, lái việc về cho “sân sau” của mình và người thân ruột thịt của mình để hưởng lợi. Tất cả việc đó cần phải được minh bạch thật sự. Minh bạch cũng là bởi luật pháp hiện hành của chúng ta không cấm công chức, viên chức đi làm thêm ngoài giờ. Bởi vậy nên lại càng phải thế!