Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An chia sẻ hành trang vào lớp 10 cho học sinh Hà Nội

Bài Linh Anh, ảnh Duy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Cách thức ôn luyện khi còn 4 tuần diễn ra kỳ thi tuyển sinh THPT, học sinh lớp 10 cần lựa chọn tổ hợp môn học nào phù hợp năng lực và xu hướng nghề… là nội dung được cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp–Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) thông tin tại tọa đàm sáng 12/5.

Các lưu ý chọn tổ hợp môn tự chọn 

Tại tọa đàm “Đồng hành cùng con trên hành trình THPT” do trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy) tổ chức, cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp cho biết, năm học 2024-2025 là năm thứ 3 học sinh lớp 10 học tập theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Với Chương trình này, học sinh lớp 10 sẽ phải học 8 môn bắt buộc bao gồm Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Giáo dục của địa phương và Lịch sử.

Ngoài các môn bắt buộc, các em sẽ được lựa chọn 4 môn trong 9 môn học bao gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật. Ngoài ra, học sinh còn phải lựa chọn các chuyên đề học tập khác nhau.

Nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An chia sẻ cùng phụ huynh tại tọa đàm sáng 12/5.
Nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An chia sẻ cùng phụ huynh tại tọa đàm sáng 12/5.

Nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp đã lưu ý cho các phụ huynh về cách đăng ký những môn tự chọn phù hợp với khả năng, phù hợp với xu hướng nghề hiện nay. Và đặc biệt là những lưu ý về phương thức dạy và học ở cấp THPT dành cho học sinh lớp 10 khác với cấp THCS như thế nào để phụ huynh nắm bắt và định hướng. Các thông tin về tổ hợp môn học đa phần được được các trường THPT tại Hà Nội đăng ký công khai trên website nhà trường.

Tại buổi tọa đàm, rất nhiều câu hỏi được đưa ra dành cho diễn giả như: Tổ hợp môn học nào có nhiều trường đại học lựa chọn tuyển sinh, tổ hợp nào thuận lợi cho hành trình du học, hay học sinh học tốt cả tự nhiên và xã hội nhưng còn yếu 1 hoặc 2 môn trong tổ hợp mà trường THPT đang xây dựng thì phải làm thế nào…? Tất cả các thắc mắc trên hơn 300 phụ huynh có con đang học lớp 9 tại Hà Nội bày tỏ trong cuộc tọa đàm.

Không gian cuộc tọa đàm “Đồng hành cùng con trên hành trình THPT”.
Không gian cuộc tọa đàm “Đồng hành cùng con trên hành trình THPT”.

Tọa đàm “Đồng hành cùng con trên hành trình THPT” do trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy) tổ chức đã diễn ra được 3 số. Theo Thạc sĩ Lưu Văn Thông – Hiệu trưởng trường THCS Dịch Vọng: Mặc dù chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa các con lớp 9 sẽ rời khỏi ngôi trường 4 năm gắn bó nhưng với trách nhiệm của người làm giáo dục, chúng tôi mong muốn tổ chức tọa đàm này để giúp các phụ huynh có con đang học năm cuối của chương trình giáo dục cũ hiểu được những thay đổi của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khi các con vào lớp 10 năm học 2024-2025. Đặc biệt, việc lựa chọn tổ hợp môn học phải thực hiện ngay từ khi các con nộp hồ sợ nhập học vào lớp 10. Nên để chọn sát và đúng với năng lực, sở trường nghề nghiệp thì phụ huynh cần phải tìm hiểu và định hướng ngay từ bây giờ.

Hiệu trưởng trường THCS Dịch Vọng Lưu Văn Thông bày tỏ về ý nghĩa và mong muốn tổ chức sự kiện.
Hiệu trưởng trường THCS Dịch Vọng Lưu Văn Thông bày tỏ về ý nghĩa và mong muốn tổ chức sự kiện.

Theo bà Lê Hồng Minh - phụ huynh của học lớp 9A11 trường THCS Dịch Vọng: “Năm nay lần đầu tôi có con thi vào 10, nên rất bỡ ngỡ với việc lựa chọn tổ hợp môn học của các trường THPT. Tôi không hiểu đầu năm 10 lựa chọn tổ hợp rồi thì về sau có thể thay đổi hay không, tôi cũng thắc mắc về nếu con tôi lựa chọn tổ hợp quá đông người học thì trường THPT có đáp ứng hay phải tìm phương án khác... Tất cả những thắc mắc này tôi đã được giải đáp trong buổi tọa đàm hôm nay. Từ thông tin cô Nhiếp chia sẻ, giúp tôi có thêm những thông tin nghiên cứu, lựa chọn cho con để tránh việc lựa chọn tổ hợp môn học không phù hợp với thực tế năng lực khi theo học, hoặc ảnh hưởng đến ý định định hướng nghề khi chọn tổ hợp xét tuyển đại học của con sau này…”.

Học sinh đỗ trường tốp cao gặp khó khăn gì?

Với kinh nghiệm 9 năm giữ vai trò Hiệu trưởng trường TPHT Phan Huy Chú (trường công tự chủ tài chính), 7 năm giữ vai trò Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa, và chính thức đảm nhiệm vị trí Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An từ tháng 7/2022 đến nay, cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp đã chia sẻ cho phụ huynh rất nhiều thông tin thiết thực từ các mô hình giáo dục mà cô đã kinh qua, để từ đó giúp phụ huynh định hướng phương pháp học tập cho con của mình.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp: Một học sinh khi bước từ ngưỡng cửa THCS lên THPT có rất nhiều khó khăn sẽ phải trải qua, cha mẹ cần thấu hiểu để chia sẻ động viên. Đó là khó khăn của trường mới, bạn mới và thầy cô mới, phương thức học mới cùng lượng kiến thức lớn. Và quan trọng hơn cả là tâm sinh lý lứa tuổi ở độ tuổi này có nhiều biến đổi, trong khi cám dỗ ở bên ngoài xã hội rất lớn.

Thậm chí, không ít học sinh của Hà Nội hiện nay còn trải qua khó khăn của học sinh đỗ trường chuyên, hoặc trường THPT top cao. “Nhiều học sinh ngủ quên trên chiến thắng nên trượt dài suốt học kỳ I năm học lớp 10, khiến lực học không thể cứu vãn cho những năm tiếp theo. Hoặc nhiều phụ huynh và học sinh lại đặt cho mình các mục tiêu quá gắt gao như: Phải đứng top đầu lớp như thời THCS, phải đạt điểm số xuất sắc... trong khi năng lực của học sinh THPT khác nhiều so với cấp THCS” – bà Nguyễn Thị Nhiếp cho biết.

Ban giám hiệu trường THCS Dịch Vọng và phụ huynh chụp ảnh lưu niệm cùng diễn giả.
Ban giám hiệu trường THCS Dịch Vọng và phụ huynh chụp ảnh lưu niệm cùng diễn giả.

Sát kỳ thi, tâm lý của cha mẹ phụ huynh rất căng thẳng cho kỳ thi vượt cấp vào 10 tại Hà Nội. Nói vui như nhiều phụ huynh thì sau thi sẽ hết khoảng thời gian đi nhẹ nói khẽ cười duyên cùng con, và “sẽ đòi lại quyền làm mẹ”. Tuy nhiên, kết thúc kỳ thi vào 10 tại Hà Nội mới là xong 1 chặng đường, dù đỗ hay không đỗ trường như mong muốn thì phụ huynh cần tiếp tục đồng hành cùng với các con trong việc lựa chọn môn học, môi trường học và chuẩn bị hành trang hướng nghiệp, để phát huy tốt nhất năng lực, sở trường cho tương lai sau này.

Tọa đàm “Đồng hành cùng con trên hành trình THPT” diễn ra với mục tiêu đầu tiên là giúp các phụ huynh của trường THCS Dịch Vọng có thêm thông tin đồng hành cùng các con trong chặng đường mới. Tuy nhiên, tham gia tọa đàm cũng có hàng chục phụ huynh đến từ nhiều trường khác trên TP Hà Nội, họ đến để cùng trao đổi với diễn giả, cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp và các thầy cô trong trường THCS Dịch Vọng về các vấn đề học và dạy của con em mình hiện nay.