Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiểu về Công ước chống tra tấn: Biện pháp thiết lập quyền tài phán của Việt Nam

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Công ước chống tra tấn, quyền tài phán đối với tội phạm có hành vi tra tấn đã được quy định trong pháp luật Việt Nam...

Ảnh minh họa

Bộ luật Hình sự năm 2015 tiếp tục kế thừa các quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và có những sửa đổi như sau:

Về hiệu lực của Bộ luật Hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Việt Nam: bổ sung hiệu lực của Bộ luật Hình sự đối với hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam: Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam.

Quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Quy định lại nội dung áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Việt Nam: Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó. Trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Về hiệu lực của Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ Việt Nam: Thêm hiệu lực áp dụng Bộ luật hình sự năm 2015 đối với pháp nhân thương mại Việt Nam có hành vi phạm tội ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Thêm hiệu lực áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với pháp nhân thương mại nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, đồng thời bổ sung những trường hợp có thể bị xử lý hình sự. Bổ sung quy định áp dụng đối với tàu bay, tàu biển không mang quốc tịch Việt Nam ở ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Về thẩm quyền xét xử, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 bổ sung quy định: bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu xét xử ở Việt Nam thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú cuối cùng của bị cáo ở trong nước xét xử. Nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng ở trong nước của bị cáo thì tùy trường hợp Chánh án TAND Tối cao ra quyết định giao cho TAND TP Hà Nội hoặc TAND TP Hồ Chí Minh hoặc Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xét xử.

Bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án quân sự thì tòa án quân sự cấp quân khu xét xử theo quyết định của Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương.