Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiểu về Công ước chống tra tấn: Các quốc gia phải quy định chi tiết thêm pháp luật để trừng phạt tra tấn

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các quốc gia phải quy định chi tiết thêm pháp luật để trừng phạt tra tấn thực hiện trên lãnh thổ của mình, cũng như bởi các công dân thực hiện bên ngoài lãnh thổ...

Ảnh minh hoạ

Cưỡng chế hình sự

Liên quan đến các nội dung, các điều khoản chính yếu liên quan đến việc cưỡng chế hình sự, đòi hỏi các quốc gia thành viên bảo đảm rằng tra tấn, nỗ lực nhằm tra tấn và đồng phạm tra tấn là các tội phạm phải bị trừng phạt bằng các hình phạt tương xứng, với sự cân nhắc mức độ nghiêm trọng của hành vi.

Các quốc gia phải quy định chi tiết thêm pháp luật để trừng phạt tra tấn thực hiện trên lãnh thổ của mình, cũng như bởi các công dân thực hiện bên ngoài lãnh thổ, và nếu thích hợp, công dân của mình là nạn nhân và trong bất kỳ hoàn cảnh nào khác mà họ quyết định không dẫn độ kẻ phạm tội. Họ cũng phải giam giữ bất kỳ kẻ bị tình nghi nào trong lãnh thổ của mình (bất kể nơi phạm tội) và hoặc là giao nộp cho cơ quan truy tố hoặc dẫn độ chúng. Cuối cùng, các quốc gia có nghĩa vụ ngăn chặn tra tấn bằng nhiều biện pháp khác nhau, và bảo đảm cho các nạn nhân quyền khiếu nại về tra tấn.

Cơ chế quốc tế chống lại tra tấn và bảo vệ nạn nhân của tra tấn và ngược đãi

Về hệ thống cơ chế quốc tế (ngoài phạm vi quốc gia) chống lại tra tấn và bảo vệ nạn nhân của tra tấn và ngược đãi, bao gồm: Cơ chế của Liên Hợp Quốc: Ủy ban chống tra tấn (cơ chế dựa trên Công ước) và Báo cáo viên đặc biệt về chống tra tấn (thủ tục đặc biệt); Cơ chế nhân quyền khu vực; Tòa án hình sự quốc tế (ICC);

Tuy nhiên, việc nạn nhân của tra tấn hoặc người đại diện của họ (người thân, luật sư) lựa chọn cơ chế nào cần dựa trên sự những cân nhắc hai yếu tố chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, tính pháp lý (còn được gọi là “tính sẵn có”): Cơ chế nào có thể sử dụng được đối với một vụ việc cụ thể. Một số cơ chế như Ủy ban chống tra tấn đòi hỏi quốc gia, mà nạn nhân là công dân, phải chấp nhận thẩm quyền của Ủy ban trong việc giải quyết khiếu nại cá nhân (bằng cách đưa ra tuyên bố chấp nhận thẩm quyền nêu tại Điều 22 Công ước). Cơ chế Báo cáo viên đặc biệt thì không đòi hỏi có sự chấp nhận thẩm quyền của quốc gia thành viên, do đó công dân của bất kỳ quốc gia nào cũng có thể gửi khiếu nại đến Báo cáo viên đặc biệt về tra tấn.

Thứ 2, tính tiện dụng và hiệu quả: người khiếu nại sẽ lựa chọn cơ chế nào có thể trả lời nhanh hơn, có ảnh hưởng lớn hơn (có trọng lượng hơn), đáp ứng nhu cầu của người khiếu nại (có thể là mong muốn việc tra tấn sẽ không xảy ra, không tiếp tục hoặc không lặp lại; nhu cầu được điều trị, bồi thường, có việc xin lỗi, trừng phạt kẻ có hành vi tra tấn…).

Ngoài các cơ chế quốc tế nêu trên, người khiếu nại cũng có thể liên lạc, cung cấp thông tin cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong nước hoặc quốc tế bảo vệ các quyền con người, đặc biệt là các tổ chức tập trung bảo vệ chống lại tra tấn.