Hiểu về Công ước chống tra tấn: Thực thi quyền tài phán đối với tội phạm tra tấn bị phát hiện

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Truy tố là một nguyên tắc phổ biến trong pháp luật quốc tế được sử dụng nhằm tránh bỏ lọt tội phạm. Theo nguyên tắc này, một quốc gia sẽ phải truy tố người đã thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng nếu không dẫn độ người này đến một quốc gia khác…

Ảnh minh hoạ

Một nguyên tắc được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 6 của Công ước chống tra tấn, cụ thể: “1. Sau khi kiểm tra thông tin có được, nếu thấy rằng hoàn cảnh yêu cầu, bất kỳ quốc gia thành viên nào mà trên lãnh thổ của mình người bị nghi là đã thực hiện hành vi phạm tội nêu tại điều 4 đang có mặt, phải bắt giam người đó hoặc tiến hành những biện pháp pháp lý khác để bảo đảm sự hiện diện của người đó. Việc giam giữ và các biện pháp pháp lý khác phải tuân theo các quy định pháp luật của quốc gia đó nhưng chỉ có thể được duy trì trong một thời gian cần thiết để tiến hành bất kỳ thủ tục tố tụng hay dẫn độ nào. 2. Quốc gia nêu trên phải tiến hành ngay việc điều tra sơ bộ sự việc”.

Nội dung khoản 1 và khoản 2 yêu cầu quốc gia thành viên khi có căn cứ cho rằng một người thực hiện hoặc có liên quan tới bất kỳ hành vi/tội phạm theo quy định của bất kỳ quốc gia thành viên nào đang có mặt ở trên lãnh thổ của mình thì phải tiến hành bắt giữ và thực hiện các biện pháp cần thiết khác như các biện pháp ngăn chặn, các biện pháp điều tra theo quy định của pháp luật nước mình. Tuy nhiên, để tránh trường hợp nước chủ nhà lạm dụng quyền hạn của mình, khoản 3 và khoản 4 Điều 6 cũng quy định những biện pháp bảo đảm quyền của người bị bắt giữ.

Cụ thể: “3. Bất kỳ ai bị giam giữ theo khoản 1 điều này phải được giúp đỡ liên hệ ngay với đại diện thích hợp gần nhất của quốc gia mà người đó là công dân, hoặc, nếu người đó là người không quốc tịch, với đại diện của quốc gia nơi người đó thường trú. 4. Khi một quốc gia bắt giữ một người theo quy định tại điều này, quốc gia đó phải thông báo ngay cho quốc gia nói tại khoản 1 Điều 5 về việc người đó bị bắt giữ và hoàn cảnh đòi hỏi phải bắt giữ người đó. Quốc gia tiến hành điều tra sơ bộ (khoản 2 điều này) phải nhanh chóng thông báo kết quả điều tra của mình cho các quốc gia nói trên và cho biết có dự định thực thi quyền tài phán hay không”.

Trường hợp quốc gia thành viên không thực hiện dẫn độ thì quốc gia thành viên phải thực thi quyền tài phán đối với tội phạm tra tấn bị phát hiện theo quy định tại Điều 8: “1. Quốc gia mà trên lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình phát hiện người được cho là đã thực hiện hành vi phạm tội nêu tại Điều 4, sẽ phải chuyển vụ việc lên cơ quan thẩm quyền của quốc gia đó để truy tố, trong các trường hợp nêu tại Điều 5, nếu quốc gia đó không dẫn độ người bị tình nghi”.

Theo quy định này, quốc gia thành viên có trách nhiệm đặc biệt phải tiến hành các biện pháp hiệu quả và cần thiết về mặt lập pháp và hành pháp để đưa người phạm tội tra tấn ra trước công lý. Đối với người nước ngoài phạm tội tra tấn có thể ở trong những trường hợp sau: Người đó là nhân viên công quyền nước ngoài thực hiện hành vi tra tấn trên lãnh thổ quốc gia phát hiện người đó; Người đó thực hiện hành vi tra tấn trên lãnh thổ trên lãnh thổ nước ngoài, nước thứ ba nhưng bỏ trốn đến quốc gia phát hiện và bị bắt giữ. Người phạm tội có thể là công dân của quốc gia phát hiện, cũng có thể là công dân của quốc gia nơi tội phạm được thực hiện hoặc một nước thứ ba.

Trong những trường hợp như vậy, quốc gia phát hiện người phạm tội tiến hành ngay việc bắt, giam giữ theo quy định của pháp luật nước mình và tùy từng trường hợp có thể thực hiện quyền tài phán của mình hoặc dẫn độ người đó cho quốc gia yêu cầu để quốc gia này thực hiện việc xét xử, hoặc thi hành án.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần