Những đứa trẻ bị bạo hành chết tức tưởi
Sự việc gây ám ảnh nhất vừa qua là cái chết của bé N.T.V.A , 8 tuổi tại TP Hồ Chí Minh. Bé bị bạo hành chết trong đau đớn bởi người tình của bố. Trước khi mất, bé N.T.V.A bị “mẹ kế” Võ Nguyễn Quỳnh Trang tra tấn, đánh đập trong gần 4 giờ đồng hồ. Trang dùng cây gỗ to dài gần cả mét đánh mạnh rất nhiều lần khắp nơi trên cơ thể cháu bé. “Mẹ kế” còn dùng dây trói tay chân cháu bé đến khi bị kiệt sức rồi tiếp tục bị bắt quỳ học, vừa quỳ học vừa uống nước nhưng Trang vẫn không tha. Người này dùng tay tát mạnh vào đầu, bắt bé ngồi vào ghế học rồi dùng chân đạp cho cháu té ngã đến khi gục xuống, miệng trào nước...
Bé N.T.V.A được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi, được xác định tử vong do phù phổi cấp, trên cơ thể có nhiều tổn thương bầm tụ máu, gãy nhiều xương sườn, đầu cũng có vết thương, tụ máu, não phù và có nhiều vết thương ở cả bộ phận sinh dục. V.A không phải là em bé duy nhất bị bạo hành đến chết ngay trong nhà mình bởi “mẹ kế”, “cha dượng”.
Ngày 11/1 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Minh Quân (21 tuổi, ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) để điều tra về tội Giết người. Quân chung sống như vợ chồng với N.T.H.N. (22 tuổi) và bé trai 2 tuổi (con riêng của N.). Trước đó, thấy bé quấy khóc, Quân tức giận dùng chân đạp nhiều lần và đầu và chân cháu bé khiến nạn nhân ngã bất tỉnh, Quân cùng N. đưa bé đi cấp cứu nhưng bé đã tử vong. Kết quả khám nghiệm cho thấy nạn nhân tử vong do chấn thương sọ não. Quân thừa nhận hành vi, khai do lên cơn nghiện ma túy, không kiềm chế được cơn giận và gây ra cái chết cho bé trai.
HĐXX TAND tỉnh Cao Bằng cũng vừa tuyên án bị cáo Nông Xuân Luân (33 tuổi, trú tại TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) vì hành vi côn đồ đánh chết cháu H.T.D., 14 tuổi, là con riêng của người phụ nữ sống cùng Luân như vợ chồng. Trước đó, "cha dượng hờ" nhiều lần đánh, xịt nước lên cháu bé giữa mùa đông lạnh cóng từ chiều đến tối, khiến cháu bé tử vong.
Vụ án mới đây xảy ra tại An Giang cướp đi tính mạng của đứa trẻ mới 7 tháng cũng có xuất phát từ ông "bố hờ". Thủ phạm Nguyễn Văn Hồng (SN 1998), đổ nước vào miệng cháu bé, con của người tình cho đến khi bé chết sặc. Trước đó, mỗi lần cháu khóc, người đàn ông này đã nhiều lần đánh đập nạn nhân, có lần đánh gãy tay cháu bé.
Tại Hà Nội, vụ việc từng gây chấn động là trường hợp cháu N.N.M.M (3 tuổi, trú tại xã Võng La, huyện Đông Anh) bị chính mẹ đẻ và cha dượng bạo hành dẫn đến tử vong...
Xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật
Theo các chuyên gia tâm lý học, đối với sự an toàn của con cái, bố mẹ ruột là người chịu trách nhiệm lớn nhất. Nếu họ không cho phép, không ai có thể động được đến đứa trẻ. Dù họ có chịu bản án nào của pháp luật hay lương tâm, dư luận thì cũng không thể bù đắp được cho những đau đớn về thể xác, lẫn tinh thần mà những đứa trẻ phải chịu đựng.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Phạm Thị Bích Hảo – Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An cho rằng, hành vi bạo hành trẻ em dẫn đến tử vong của các đối tượng tuỳ theo tình tiết, hành vi cụ thể. Với hành vi sử dụng vũ lực, bạo lực, đánh đập, hành hạ đến mức gây thương tích hoặc chết người thì có thể xem xét xử lý về Tội cố ý gây thương tích hoặc tội Giết người.
Vì bất kì lý do gì, việc người phạm tội bạo hành trẻ em dẫn đến tử vong thì cần phải bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Luật Trẻ em 2016 quy định Điều 12 về quyền sống: “Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển”. Điều 6 quy định các hành vi bị nghiêm cấm: “Tước đoạt quyền sống của trẻ em. Cha mẹ cần chăm sóc, bảo vệ con đảm bảo tốt nhất các điều kiện sống và phát triển. Khi có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật”.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh cho hay, hành vi phạm tội của các đối tượng đã xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của công dân được pháp luật bảo vệ, đặc biệt là trẻ em, đối tượng đặc biệt được pháp luật bảo vệ nên cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật mới có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm bạo hành trẻ em đang gây bức xúc, phẫn nộ trong xã hội.