Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Hòa Bình: cùng nông dân vươn lên làm giàu

Kinhtedothi - Thông qua việc hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, Hội Nông dân các cấp tỉnh Hòa Bình đã đồng hành cùng nông dân từng bước thay đổi tư duy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao thu nhập.

Mặc dù bươn chải kinh doanh hoa quả khắp các điểm chợ trên địa bàn huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình nhưng cuộc sống của gia đình anh Bùi Thành Nam (xã Kim Lập, huyện Kim Bôi) vẫn không thoát khỏi cảnh túng thiếu. Được sự hướng dẫn, tư vấn của các cấp Hội Nông dân, năm 2022, anh Nam mạnh dạn làm hồ sơ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chuyển đổi một số diện tích trồng ngô, sắn kém hiệu quả của gia đình sang trồng chuối tiêu hồng.

Với số vốn vay 30 triệu đồng và nguồn vốn gia đình tích cóp được, anh Nam trồng thí điểm 1ha với 2.000 cây chuối tiêu hồng. Nhờ đó, vườn chuối của gia đình anh cho tỷ lệ ra buồng đạt trên 95%, năng suất, hiệu quả hơn nhiều loại cây trồng khác. Sau 1 năm, gia đình anh đã bắt đầu có thu nhập từ vườn chuối tiêu hồng. Mỗi ha trồng chuối, anh thu lãi khoảng trên 200 triệu đồng. Đến nay, tổng diện tích vườn chuối của gia đình anh đã mở rộng lên trên 3ha với khoảng 6.000 cây. Cuối năm 2024, gia đình anh thu về 400 - 500 triệu đồng sau khi trừ hết các chi phí ban đầu.

Chưa dừng lại ở đó, tận dụng hết phụ phẩm từ lá, thân cây chuối sau khi thu hoạch, anh Nam chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm để tăng thu nhập.

Một mô hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Lạc Thủy.

Với mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước hỗ trợ hội viên nông dân thoát nghèo bền vững, những năm qua, Hội Nông dân xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy đã chủ động phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ hội viên tiếp cận và vay vốn chính sách như: rà soát nhu cầu vay vốn, nhận ủy thác giúp nông dân để xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình, kinh tế tập thể, sản xuất hàng hóa gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản.

Cùng với đó, Hội Nông dân xã tích cực phối hợp với các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn hội viên kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích. Đến nay, Hội viên nông dân trong xã đã được vay trên 12 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhờ đó, từng bước phát triển sản xuất, hình thành những mô hình, dự án kinh tế đem lại hiệu quả cao như: Mô hình trang trại tổng hợp, mô hình trồng bí, lặc lày, dưa chuột, mướp đắng; nuôi lợn bản địa, gà thả vườn, trâu sinh sản, nuôi dê, nuôi cá chạch chấu...

Gắn bó với nghề nuôi gà thả đồi, anh Bùi Văn Hùng ở xóm Duộng Rềnh (xã Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn) mỗi năm nuôi gối 3 lứa gà ri bản địa với số lượng hàng nghìn con, thu nhập sau trừ chi phí đạt vài trăm triệu đồng. Theo anh Hùng, chính những lớp tập huấn do Hội Nông dân xã tổ chức đã giúp gia đình cải thiện kỹ thuật, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Ông Bùi Văn Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quyết Thắng cho biết, thời gian qua, Hội đã chủ động phối hợp với các chương trình, dự án phi chính phủ để truyền thông, hướng dẫn hội viên chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng. Các lớp tập huấn được tổ chức thường xuyên, góp phần thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ sang bài bản, có kế hoạch và định hướng hàng hóa. Đặc biệt, Hội đã tích cực bình xét, hỗ trợ hội viên tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hiện, tổng dư nợ Hội đang quản lý đạt trên 50 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Dự án "Chăn nuôi bò sinh sản” từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Hòa Bình với 300 triệu đồng, cho 11 hội viên vay vốn để mua 14 con bò giống sinh sản; Quỹ hỗ trợ nông dân huyện Lạc Sơn cũng được triển khai hiệu quả, hỗ trợ 6 hội viên vay 300 triệu đồng để mua 12 con trâu giống sinh sản. Mô hình "Quỹ bò thiện tâm” do Hội Nông dân xã Quyết Thắng khởi xướng đã nhân đàn bò từ vài con ban đầu lên tới 114 con qua các thế hệ.

Mới đây, Hội Nông dân xã Quyết Thắng đã thành lập CLB giúp nhau làm giàu, tập hợp những hội viên tiêu biểu có mô hình kinh tế hiệu quả. Thông qua hoạt động nhóm, các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, liên kết tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ nhau sử dụng vốn đúng mục đích, hướng đến sản xuất tập trung, bền vững.

Cũng như các địa phương khác của tỉnh Hòa Bình, Hội Nông dân huyện Lương Sơn (Hòa Bình) luôn đồng hành, hỗ trợ, triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Toàn huyện Lương Sơn hiện có gần 14.000 hội viên nông dân, sinh hoạt tại 498 chi, tổ hội. Nhằm giúp hội viên phát triển kinh tế, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các ngành, đoàn thể tuyên truyền, khuyến khích nông dân tổ chức sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, theo hướng hữu cơ; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý; sản xuất theo chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP...

Để nông dân tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất qua hoạt động tín chấp, các cấp Hội nông dân trong huyện đã ký tín chấp với ngân hàng được trên 406 tỷ đồng thông qua 176 tổ tiết kiệm và vay vốn cho trên 5.000 hội viên; đồng thời, quản lý hiệu quả trên 3,3 tỷ đồng Quỹ hỗ trợ nông dân cho hơn 200 lượt hội viên vay. Ngoài ra, các hoạt động phối hợp cung ứng phân bón, cây, con giống, thức ăn chăn nuôi trả chậm cho hội viên cũng được Hội Nông dân quan tâm đẩy mạnh. Qua đó, từng bước giúp hội viên thoát nghèo.

Ngoài ra, những hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ đã giúp hội viên chuyển biến nhận thức, khai thác tiềm năng, phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu nông sản. Đến nay, huyện đã có 4 chứng nhận nhãn hiệu tập thể, 13 sản phẩm OCOP 3 - 4 sao cấp tỉnh, 1 sản phẩm bưởi được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ...

Từ sự trợ lực của Hội Nông dân các cấp, nguồn vốn chính sách với lãi suất cho vay ưu đãi và sự năng động, dám nghĩ, dám làm, hội viên nông dân các địa phương của tỉnh Hòa Bình đã chủ động phát triển kinh tế gia đình bằng nhiều hướng đi, cách làm, hình thành những mô hình mới mang lại hiệu quả thiết thực.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Sơn La phát triển các chuỗi liên kết cung ứng nông sản an toàn

Sơn La phát triển các chuỗi liên kết cung ứng nông sản an toàn

16 May, 05:04 PM

Kinhtedothi - Nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả, giúp nông dân tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, tỉnh Sơn La đã tập trung xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nông sản.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ