Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hòa Bình: phát triển bền vững các sản phẩm OCOP

Tâm Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tỉnh Hòa Bình đã và đang nỗ lực thực hiện chủ trương đưa sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu phát triển bền vững.

Theo đề án Chương trình OCOP của tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2030, về phát triển sản phẩm, tỉnh đặt mục tiêu chuẩn hóa thêm 160 sản phẩm, phấn đấu tổng số sản phẩm chuẩn hóa tới năm 2030 là 210 sản phẩm; phát triển mới ít nhất 100 tổ chức kinh tế, nâng cấp 40 - 50 tổ chức đã tham gia Chương trình OCOP.

Công tác quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được tỉnh quan tâm, ưu tiên hàng đầu.
Công tác quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được tỉnh quan tâm, ưu tiên hàng đầu.

Hàng năm, phấn đấu chuẩn hóa từ 16 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; hướng tới phát triển sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5 sao) từ các sản phẩm OCOP cấp tỉnh có chất lượng, sản lượng và hiệu quả kinh tế cao như cam Cao Phong, các dòng sản phẩm chế biến từ cá sông Đà, từ măng tre các loại và một số sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng.

Có thể nói, Chương trình OCOP được triển khai đã tạo điều kiện cho các địa phương thuộc tỉnh Hòa Bình sản xuất ra nhiều hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của vùng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Bản Dao - Thống Nhất (TP Hòa Bình) được biết đến là HTX tiên phong tìm hướng đi mới cho cây sả và giúp nhiều hộ dân trên địa bàn thoát nghèo bền vững.

Theo bà Nguyễn Thị Bình, Giám đốc HTX, năm 2015 HTX thành lập với 20 thành viên, đúng vào thời điểm người dân trên địa bàn ồ ạt trồng sả khiến lượng cung vượt cầu, dẫn đến khó tiêu thụ. Nhiều hộ phải ngậm ngùi thu hoạch rồi đốt bỏ. Thấu hiểu khó khăn đó, bằng tư duy nhạy bén và tinh thần ham học hỏi, bà đã cùng các thành viên HTX tìm tòi, nghiên cứu cách chiết xuất tinh dầu từ cây sả với kỳ vọng tạo ra sản phẩm chế biến sâu, hạn chế phụ thuộc vào hình thức bán tươi, bảo vệ lợi ích cho người trồng.

Năm 2021, sản phẩm tinh dầu sả chanh của HTX được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3. “Việc sản phẩm của HTX được gắn sao OCOP không chỉ khẳng định thương hiệu, tôn vinh những giá trị kết tinh trong đó, mà còn tạo thuận lợi để sản phẩm tăng sức hút và khả năng cạnh tranh trên thị trường”- bà Bình đánh giá.

Là một trong những đơn vị có sản phẩm nông nghiệp đạt OCOP đầu tiên của huyện Kim Bôi được chứng nhận 4 sao. HTX Green Life, xã Hợp Tiến (Kim Bôi) với sản phẩm mật ong rừng, nhờ chú trọng cải tiến quy trình, đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất, sản phẩm mật ngày càng khẳng định được chất lượng trên thị trường, được khách hàng gần xa tin tưởng, ưa chuộng.

Đến nay, HTX Green Life đã đi vào hoạt động ổn định, sản lượng mật ong đạt 60.000 lít/năm với tổng thu nhập trên 12 tỷ đồng/năm. Sản phẩm mật ong Hợp Tiến được gắn nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và đóng chai, lọ thể tích 1 lít, 500ml, 350ml. Mẫu mã, hình thức đẹp mắt, sang trọng, chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Nguyễn Hồng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết, thông qua hoạt động đánh giá, chứng nhận và duy trì tiêu chuẩn OCOP, đã góp phần giúp người sản xuất nâng cao nhận thức, chuyên tâm tạo ra những sản phẩm đồng đều, chất lượng; không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn cung cấp nguyên liệu cho xuất khẩu. Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đến nay toàn tỉnh đã có 158 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; tập trung chủ yếu vào nhóm sản phẩm đặc thù, thế mạnh của địa phương như: cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, cá sông Đà, nhóm dược liệu, rượu men lá đặc sản...