Hóa giải thách thức tăng trưởng kinh tế

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt khó khăn do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới và trong nước đã và đang tác động đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% đã đề ra của Việt Nam.

Giới chuyên gia cho rằng, cần những chính sách đồng bộ và đột phá để tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân, thúc đẩy tăng trưởng.Từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp. Các DN nói riêng, cả nền kinh tế nói chung đang phải “bơi” trong dòng xoáy khó khăn.

Những khó khăn cụ thể đã được chỉ ra. Đó là sự cạnh tranh chiến lược trong mảng công nghệ bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trung Quốc đang siết nguồn cung cấp nguyên liệu cho ngành bán dẫn trên toàn cầu, trong khi Mỹ, châu Âu cũng muốn tự chủ hơn trong chuỗi sản xuất điện tử, khiến chuỗi giá trị ngành điện tử toàn cầu sẽ có biến động. Điều này sẽ tác động đến Việt Nam - vốn là một mắt xích trong chuỗi cung ứng hàng điện tử toàn cầu.

Hiện, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài, các ngân hàng thương mại yếu kém, DN, dự án thua lỗ, chậm tiến độ dù đang được xử lý nhưng chưa thực sự dứt điểm; các thị trường trái phiếu DN, bất động sản còn nhiều bất cập… cũng ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, lãi suất cho vay ở mức cao là một rủi ro lớn của nền kinh tế. Nhiều DN đang phải chịu lãi vay 14 - 15%/năm, bất chấp Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều nỗ lực giảm lãi suất điều hành. Mức lãi suất này quá sức sinh lời trong hoạt động của DN.

Vì thế, muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cần phải có các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Đây là yếu tố quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, chính sách tài khóa và tiền tệ cần phải song hành.

Các kiến nghị về vấn đề này tập trung vào cải thiện tiếp cận vốn và cả khả năng hấp thụ vốn cho DN; cải thiện môi trường kinh doanh, ban hành quy định về cơ chế thử nghiệm cho các mô hình kinh tế mới.

Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh đến việc tăng độ mở cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia một số lĩnh vực như: ngân hàng, phân phối dược phẩm...

Đặc biệt chú trọng vào tư duy liên kết vùng trong thu hút FDI, thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các DN nước ngoài, đào tạo kỹ năng cho người lao động để đáp ứng yêu cầu của DN FDI.

Mặt khác, muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm thì cải cách bên trong là yếu tố quyết định. Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam cho thấy mỗi lúc khó khăn bên ngoài thì bên trong có động lực mạnh mẽ để thay đổi.

Để thúc đẩy “động lực bên trong”, cần tập trung thực hiện các chính sách tài khóa. Đó là thực hiện quyết liệt chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho DN, đồng thời kéo dài thời gian thực hiện chính sách giảm thuế VAT. Và trong bối cảnh khó khăn, việc cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí tạo nên sự an toàn, ít rủi ro hơn trong hoạt động kinh doanh, đầu tư của DN cũng cần làm ngay.

Bên cạnh đó, cần lưu tâm đến viêc nâng cao trách nhiệm của một bộ phận công chức, khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm khiến thủ tục hành chính kéo dài, làm tăng thêm chi phí, tăng gánh nặng cho DN.

Có giải quyết được những vấn đề trên thì khó khăn của DN mới được tháo gỡ, nguồn thu được nuôi dưỡng để phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế.