Hạn chế tranh chấp kéo dài
Hòa giải là một phương thức giải quyết mâu thuẫn, xung đột xã hội rất hiệu quả. Có nhiều hình thức hòa giải khác khau, thông thường được chia làm hai loại: Hòa giải tiền tố tụng và Hòa giải trong tố tụng. Điều 10 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về hòa giải trong tố tụng dân sự như sau: Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này. Đồng thời, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định Chương XIII về thủ tục hòa giải và chuẩn bị xét xử từ Điều 203 đến Điều 221, trong đó có 9 điều liên quan đến thủ tục hòa giải tại Tòa án.
Căn cứ quy định tại Điều 205 về nguyên tắc tiến hành hòa giải, việc hòa giải sẽ được Tòa án tiến hành trước khi xét xử sơ thẩm đối với các vụ án có thể hòa giải theo quy định của pháp luật. Phạm vi hòa giải là các tranh chấp dân sự, tranh chấp về hôn nhân và gia đình, tranh chấp về kinh doanh thương mại, tranh chấp về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo Điều 26, 28, 30, 32 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Kết quả hòa giải thành giúp giải quyết được mâu thuẫn giữa các bên mà không phải mở phiên tòa xét xử, các bên tự nguyện thi hành kết quả của việc hòa giải. Từ đó, tiết kiệm chi phí xét xử, thời gian, công sức của các bên, hạn chế tranh chấp kéo dài, giảm áp lực cho cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết vụ việc.
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án số 58/2020/QH13 được thông qua ngày 16/06/2020, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021. Sau khi Luật này có hiệu lực thi hành, các TAND đã triển khai, tổ chức thực hiện và bước đầu thu được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, đến nay, số lượng vụ việc được chuyển sang thủ tục hòa giải, đối thoại chỉ chiếm số lượng rất nhỏ trong tổng số lượng các vụ việc giải quyết tại Tòa án.
Để đảm bảo hiệu quả thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Chánh án TAND Tối cao đã ban hành Chỉ thị số 02/2022/CT-CA ngày 14/03/2022 về việc tăng cường công tác hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, kèm theo Chỉ thị là hướng dẫn quy trình hòa giải, đối thoại theo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Lợi ích của việc hòa giải, đối thoại là đảm bảo tối đa quyền tự định đoạt của đương sự trong việc giải quyết vụ việc, nâng cao ý thức pháp luật của công dân, vụ việc được tiến hành nhanh chóng, các bên được chủ động trong quá trình giải quyết, tiết kiệm chi phí, bảo mật thông tin, giúp các bên hàn gắn và duy trì mối quan hệ đã có, giúp Tòa án xác định phương hướng giải quyết đúng đắn vụ việc đồng thời việc thi hành quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành thường nhanh chóng và hiệu quả hơn so với việc thi hành bản án.
Mặc dù việc giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa giải, đối thoại tại Tòa án mang lại nhiều lợi ích cho các bên hơn là giải quyết bằng con đường tố tụng, thế nhưng kể từ khi ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cũng như Chỉ thị hướng dẫn, các hòa giải viên vẫn gặp phải nhiều vướng mắc trong vấn đề giải quyết.
Nâng cao nhận thức pháp luật của người dân
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay, hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một thủ tục tiền tố tụng, không phải thủ tục bắt buộc, đương sự có quyền đồng ý hoặc không đồng ý giải quyết vụ việc bằng cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Do đó, các đương sự thường xem nhẹ, không đánh giá cao việc hòa giải, không tham gia tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình hòa giải, đối thoại, các đương sự thường không hợp tác, không cung cấp địa chỉ cư trú, thường xuyên văng mặt, không tham gia hòa giairm không cung cấp tài liệu chứng cứ theo yêu cầu của hòa giải viên. Công tác phối hợp của các cơ quan liên quan trong quá trình hòa giải, đối thoại còn hạn chế, đại diện các cơ quan có liên quan thường có văn bản đề nghị vắng mặt, chậm trả lời hoặc không trả lời, ảnh hưởng đến kết quả của việc hòa giải, đối thoại.
Trong quá trình giải quyết tranh chấp dân sự, luật sư có trách nhiệm vô cùng quan trọng để giải quyết vụ án. Điều 9, Điều 76 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về việc bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; quyền, nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Theo đó, luật sư với vai trò là người hiểu biết pháp luật, tham gia vụ việc góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, luật sư tham gia phiên hòa giải, phiên họp, phiên tòa giúp đương sự về mặt pháp lý liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo đúng quy định của pháp luật.
Sứ mệnh của luật sư là bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thông thường các vụ việc tranh chấp dân sự có tính chất phức tạp, các bên thường mâu thuẫn từ lâu và đến khi không giải quyết được thì mới khởi kiện ra Tòa án giải quyết. Do đó vai trò của luật sư giúp hai bên giải quyết vụ việc là vô cùng quan trọng.
Khi luật sư tham gia, tranh chấp sẽ được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, luật sư với vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự, với sự am hiểu pháp luật có trách nhiệm giải thích quy định của pháp luật cho các bên, hướng dẫn, đề xuất các bên giải quyết cả về lý và tình cảm, bảo đảm quyền lợi của các bên theo nguyên tắc đúng quy định của pháp luật, nếu các bên thiện chí hòa giải thì tranh chấp sẽ được giải quyết, các bên tự nguyện thi hành quyết định công nhận sự thỏa thuận, giảm áp lực cho Tòa án, vụ việc được giải quyết nhanh, không bị kéo dài.
Mục đích của việc hòa giải không phải là dùng chứng cứ để đấu tranh với bên còn lại mà sử dụng chứng cứ để thuyết phục đối phương đồng ý hòa giải để hai bên cùng nhượng bộ lẫn nhau, phân tích những gì hai bên có thể được và mất theo đúng quy định của pháp luật nhằm giải quyết nhanh chóng, dứt điểm tranh cấp mà không cần đưa ra xét xử, tuy nhiên vẫn đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của khách hàng của luật sư.
Mỗi một vụ việc dân sự được giải quyết bằng con đường hòa giải là một thành công của luật sư cũng như của cơ quan tiến hành tố tụng, nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, nâng cao vai trò của luật sư khi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, nâng cao vai trò của pháp luật nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Tuyên truyền pháp luật về lợi ích của hòa giải
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, thời gian qua, Văn phòng Luật sư Kết Nối đã giải quyết được nhiều vụ việc cho khách hàng, trong đó có rất nhiều vụ việc tranh chấp kéo dài, có những vụ việc đã tranh chấp hàng chục năm. Gần đây nhất là vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế tại tỉnh Hải Dương, về việc chia thừa kế giữa 5 người con, cháu liên quan khối tài sản là quyền sử dụng đất. Trong vụ án tồn tại cùng lúc các mối quan hệ pháp luật như: Chia thừa kế, công nhận giao dịch chuyển nhượng và công nhận di chúc. Khối tài sản giá trị lớn, các đương sự tương đối phức tạp, nhiều người ở nước ngoài.
Trước khi bắt đầu phần xét hỏi, phía luật sư Văn phòng Luật sư Kết Nối đã đề nghị Hội đồng xét xử tổ chức hòa giải tại phiên tòa. Bằng sự nỗ lực của mình, thuyết phục các bên, giữ hòa khí, phân tích cả về lý, tình cũng như hệ quả nếu như các bên theo kiện. Cuối cùng các bên đã chấp nhận ý kiến hòa giải của luật sư về phương án chia tài sản, công nhận các giao dịch mua bán, đặc biệt là thuyết phục được các bên về phương án gắn kết tình cảm lại trong gia đình. Phương án giải quyết đạt được cả tình và lý.
Hội đồng xét xử đã lắng nghe, chấp nhận sự thỏa thuận của các bên và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận thành. Vụ án chính thức kết thúc, sau rất nhiều năm tranh chấp và đặc biệt là hơn 3 năm theo đuổi tố tụng rất mệt mỏi.
Với vai trò là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự, hòa giải là một trong những quy định vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, thực tiễn công tác hòa giải không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Để khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong quá trình giải quyết, cần củng cố, nâng cao năng lực, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ của Thẩm phán, hòa giải viên, tăng cường phổ biến, tuyên truyền pháp luật về lợi ích của hòa giải, đầu tư cơ sở vật cho ngành Tòa án.
"Các luật sư khi tham gia bảo vệ quyền và lợi ích cho khách hàng cần đánh giá khách quan vụ việc, phân tích và hướng khách hàng đi theo con đường hòa giải nếu có thể để tiết kiệm thời gian, chi phí tố tụng, giảm áp lực cho ngành Tòa án” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, các Trung tâm hoà giải, đối thoại thuộc TAND hai cấp TP Hà Nội tiếp nhận 4.085 đơn khởi kiện; đã tiến hành hoà giải, đối thoại với 3.330 đơn; trong đó có 1.073 đơn hoà giải, đối thoại thành, 389 đơn người khỏi kiện rút đơn. Tỷ lệ hoà giải, đối thoại thành và rút đơn trên tổng số đơn đã giải quyết đạt 43,9%.