Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam trở thành mô hình điểm thế giới về thực thi pháp luật ngành gỗ

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 2/10, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai đã công bố một thỏa thuận với Việt Nam, nhằm giải quyết các mối quan ngại của Hoa Kỳ liên quan đến ngành gỗ. Thỏa thuận đảm bảo các cam kết nhằm ngăn chặn gỗ khai thác hoặc buôn bán bất hợp pháp tham gia chuỗi cung ứng, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Hoa Kỳ chưa đưa ra biện pháp thương mại nào đối với ngành gỗ Việt Nam. Ảnh minh họa.
Bà Katherine Tai cho biết, Thỏa thuận được công bố ngày 2/10 đưa ra một giải pháp thỏa đáng cho vấn đề đang được điều tra, liên quan đến chuỗi giá trị ngành gỗ và chưa có biện pháp thương mại nào được đưa ra dành cho Việt Nam vào thời điểm này. Trong tương lai, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện Thỏa thuận của Việt Nam.
“Chúng tôi đánh giá cao Việt Nam đã cam kết giải quyết những quan ngại của Hoa Kỳ liên quan đến việc nhập khẩu và sử dụng gỗ bị khai thác hoặc buôn bán bất hợp pháp. Với Thỏa thuận này, Việt Nam sẽ cung cấp một mô hình cho cả khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên toàn cầu về tăng cường thực thi pháp luật toàn diện đối với gỗ bất hợp pháp. USTR mong muốn được hợp tác với Việt Nam để tăng cường hợp tác và trao đổi thông tin, bao gồm cả việc thông qua Nhóm công tác về gỗ mới được thành lập” - bà Katherine Tai nói.
 Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và đoàn đại biểu Bộ NN và PTNT Việt Nam làm việc với Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR)
Thỏa thuận có cam kết của Việt Nam về các vấn đề liên quan đến gỗ bất hợp pháp, bao gồm cải thiện Hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ; xử lý gỗ bị tịch thu (là gỗ bị thu giữ do vi phạm luật pháp trong nước hoặc quốc tế) ra khỏi chuỗi cung ứng thương mại. Xác minh tính hợp pháp của gỗ khai thác trong nước bất kể nơi xuất khẩu; và làm việc với các quốc gia có nguy cơ cao để cải thiện việc kiểm tra hải quan tại biên giới và hợp tác thực thi pháp luật.
Cũng theo Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai, gỗ bất hợp pháp trong chuỗi cung ứng gây tổn hại đến môi trường toàn cầu và tài nguyên thiên nhiên. Sẽ không công bằng đối với các công nhân và doanh nghiệp Hoa Kỳ không sử dụng những loại gỗ đó. Việc USTR lần đầu tiên sử dụng Mục 301 trong cuộc điều tra, cho thấy sức mạnh của việc sử dụng công cụ này để giải quyết các mối quan tâm về rủi ro môi trường hoặc thực thi luật môi trường.
Trước đó, tháng 10/2020, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã khởi động một cuộc điều tra theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại Hoa Kỳ năm 1974, nhằm điều tra việc sử dụng gỗ được cho là khai thác hoặc buôn bán bất hợp pháp và thao túng tiền tệ của Việt Nam.