Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hòa Phát - “cỗ xe lu” thẳng tiến

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ duy trì sản xuất kinh doanh, giữa “bão” Covid-19, Tập đoàn Hòa Phát còn soán ngôi một ông lớn ngành thép khác để trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam.

Đi chậm, đi chắc và luôn chủ động trong mọi tình huống là chìa khóa để “cỗ xe lu” Hòa Phát tiếp tục có những tin vui từ những ngày đầu Xuân 2022.
Những lô hàng đầu Xuân rộn ràng ra thế giới
Đầu Xuân Nhâm Dần, Hòa Phát đã "mở hàng" xuất khẩu lô thép cuộn cán nóng đi châu Âu. Trước đó, tháng 2/2022, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đã ký hợp đồng xuất khẩu lô thép cuộn cán nóng (HRC) đầu tiên tới Italia với khối lượng 35.000 tấn.

Nhân viên Hòa Phát Dung Quất làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất thép hiện đại, khép kín từ các nước G7.
Nhân viên Hòa Phát Dung Quất làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất thép hiện đại, khép kín từ các nước G7.

Phó Phòng Kinh doanh Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất Trần Ngọc Ân cho biết, lô hàng có mác thép SAE 1006, sản xuất theo tiêu chuẩn SAE J 403:2014. Thời gian giao hàng dự kiến từ ngày 15 - 20/2/2022.
Thép cuộn cán nóng Hòa Phát được sản xuất trên dây chuyền luyện đúc cán liên tục hiện đại của châu Âu, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thế giới như ASTM, JIS, GB/T. Sản phẩm được dùng làm nguyên liệu sản xuất các loại ống thép, tôn lợp và những sản phẩm đặc thù khác như vỏ container…
Với sản phẩm HRC, Tập đoàn Hòa Phát hiện đang ưu tiên tối đa cho thị trường trong nước, do Việt Nam còn thiếu hàng triệu tấn mỗi năm. Trong năm 2021, Thép Hòa Phát Dung Quất đã cung cấp ra thị trường 2,6 triệu tấn thép HRC, trong đó lượng xuất khẩu chỉ chiếm chưa đầy 30.000 tấn.
Đầu năm 2022, “cỗ xe lu” lớn của ngành thép Việt Nam liên tục ra tin vui. Theo đó, Hòa Phát lần đầu cán mốc lợi nhuận ròng 34.520 tỷ đồng trong năm 2021. Lũy kế năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận doanh thu 150.800 tỷ đồng, tăng 65% so với 2020. Lợi nhuận sau thuế lần đầu cán mốc 34.520 tỷ đồng, vượt 92% kế hoạch năm và tăng 1,56 lần với năm trước.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn do dịch Covid-19, các khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Hải Dương, Dung Quất - Quảng Ngãi, Hưng Yên vẫn hoạt động hết công suất để phục vụ thị trường trong và ngoài nước. Năm 2021, Tập đoàn đã cung cấp cho thị trường tổng cộng 8,8 triệu tấn thép bao gồm phôi, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), ống thép và tôn mạ, tăng 35% so với cùng kỳ.
Hoạt động xuất khẩu đóng góp quan trọng cho sản lượng năm 2021 với 2,6 triệu tấn sản phẩm các loại, gấp đôi so với cùng kỳ. Việc đẩy mạnh xuất khẩu giúp Hòa Phát đa dạng hóa thị trường tiêu thụ trong khi thị trường trong nước bị ảnh hưởng do đại dịch Covid- 19, đồng thời góp phần thu ngoại tệ và cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam.
Cuộc soán ngôi vị trí nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam
Từ quý I/2021, Hòa Phát đã trở thành nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam, sở hữu hệ sinh thái sản phẩm thép từ quặng sắt đa dạng nhất.
Tổng sản lượng thép thô của Tập đoàn đạt hơn 8 triệu tấn/năm, trong đó có hơn 5 triệu tấn phôi thép, thép xây dựng và 3 triệu tấn HRC/năm. Khu liên hợp tại Dung Quất là lớn nhất với sản lượng sản xuất đạt 5,2 triệu tấn/năm, tiếp đến là Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Hải Dương với 2,5 triệu tấn/năm. Tổ hợp luyện cán thép tại Hưng Yên công suất 400.000 tấn/năm. Hòa Phát đang chuẩn bị triển khai dự án Hòa Phát Dung Quất 2 từ năm 2022, công suất 5,6 triệu tấn/năm. Dự kiến khi hoàn thành vào năm 2025, sản lượng thép thô của Tập đoàn sẽ đạt 14 triệu tấn/năm, lọt Top 30 DN thép thế giới.
Sản lượng xuất khẩu thép xây dựng thành phẩm cả năm 2021 của Hòa Phát vượt 1 triệu tấn, gấp đôi 2020, đóng góp gần 30% tổng sản lượng bán hàng. Thép xây dựng Hòa Phát đã xuất khẩu tới 20 quốc gia thuộc châu Á, châu Mỹ, châu Phi, châu Đại Dương. Trong đó, các thị trường xuất khẩu nhiều nhất gồm Canada, Úc, Hongkong, Nhật, Hàn Quốc, Campuchia…
Hòa Phát cũng tiếp tục giữ thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng, ống thép, lần lượt là 32,6% và 24,7%. Tôn Hòa Phát nằm trong Top 5 nhà sản xuất lớn nhất với 8%. Hòa Phát cũng là DN Việt Nam duy nhất sản xuất được HRC.
Tập đoàn đang tập trung triển khai nhiều dự án lớn như Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, Cảng tổng hợp tại Khu kinh tế Dung Quất, Nhà máy sản xuất container tại Bà Rịa -Vũng Tàu, Nhà máy sản xuất hàng điện máy gia dụng tại Hà Nam... Những dự án này hoàn thành sẽ nâng tầm quy mô và thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn cho Tập đoàn Hòa Phát.
Một điểm nhấn đáng chú ý năm 2021 là việc DN này đã có những chiến lược xoay chiều, mở rộng sản xuất ra ngoài các lĩnh vực thế mạnh của mình và bước chân đến nhiều thị trường lớn trên thế giới.
Theo đó, quý IV/2021, Tập đoàn Hòa Phát đã thành lập Tổng Công ty Điện máy gia dụng Hòa Phát, đầu tư lớn, bài bản vào ngành hàng điện máy gia dụng trên nền tảng thâm niên 20 năm phát triển ngành hàng điện lạnh. Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cho biết, Hòa Phát triển khai đầu tư lớn vào điện máy gia dụng nhằm đón đầu làn sóng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc. Tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu từ hoạt động sản xuất đồ gia dụng đạt 1 tỷ USD vào năm 2030 và trở thành nhà sản xuất thiết bị cho gia đình lớn nhất Việt Nam.
Tháng 11/2021, Hòa Phát đã khởi công Dự án Nhà máy sản xuất Container Hòa Phát tại Khu công nghiệp Phú Mỹ II mở rộng, Bà Rịa - Vũng Tàu vào tháng 11/2021. Công suất của nhà máy là khoảng 500.000 TEU/năm. Trong đó, giai đoạn 1 có công suất 180.000 - 200.000 TEU/năm. Nguyên liệu cho sản xuất vỏ container rỗng là loại thép HRC, mác SPA-H đặc chủng, kháng tự nhiên, kháng thời tiết, sản phẩm của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Tại Việt Nam, chỉ có Hòa Phát sản xuất được loại thép này, đảm bảo sự thành công cho dự án. Dự kiến, đầu quý III/2022, những sản phẩm container rỗng đầu tiên mang thương hiệu Hòa Phát sẽ có mặt trên thị trường. Tập đoàn Hòa Phát định hướng trở thành nhà sản xuất container lớn nhất Việt Nam.
Tập đoàn đã mở văn phòng tại Singapore từ năm 2018 với hoạt động về thương mại, xuất nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất và các sản phẩm của Hòa Phát. Tháng 5/2021, Hòa Phát chính thức sở hữu mỏ quặng sắt Roper Valley tại Úc, đặt bước chân đầu tiên trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài và đang nghiên cứu để trong tương lai có thể sẽ mua một vài mỏ than luyện cốc của Úc nhằm từng bước tự chủ nguồn nguyên liệu sản xuất quan trọng này.

 

Theo lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát, hiện rất nhiều khách hàng nước ngoài muốn đặt mua HRC nhưng Hòa Phát chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của thị trường. Đây cũng là động lực để Tập đoàn đẩy mạnh triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, tập trung sản xuất thép cuộn cán nóng với công suất 5,6 triệu tấn/năm. Khi hoàn thành, năng lực sản xuất thép của Hòa Phát đạt khoảng 14 triệu tấn/năm, trong đó có 8,6 triệu tấn HRC.


Đến nay, Hòa Phát đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 30.000 lao động và đóng góp ngân sách nhà nước tại 25 tỉnh, TP trên cả nước. Trong năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước 12.400 tỷ đồng, tăng gần 70% so với năm 2020.