70 năm giải phóng Thủ đô

Hoa quả nhập ngoại, ngọt ít đắng nhiều

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trái cây “ngậm” hóa chất độc hại bán tràn lan trên thị trường là điều mà ai cũng biết. Vậy nhưng, để khẳng định đó là nguyên nhân gây ra các ca ngộ độc thì lại không đơn giản.

Vì thế, các chuyên gia y tế đều đưa ra cảnh báo, cách tốt nhất là người tiêu dùng (NTD) phải tự trang bị những kiến thức cơ bản để hạn chế tối đa việc mua phải trái cây “bẩn”.

Bài 1: Đủ loại trái cây nhập khẩu… bán rong

Bài 2: Tưởng chặt hóa hổng

Bài 3: Trông người, ngẫm ta

Bài 4: Đừng để mất tiền mua nỗi lo

Khó xác định hóa chất ngộ độc

Trung tâm Chống độc, Bệnh viện (BV) Bạch Mai trung bình mỗi tháng tiếp nhận 40 - 50 ca ngộ độc thực phẩm cấp tính, trong đó không ít trường hợp nhập viện do ăn phải trái cây có chứa các chất hóa học. Tuy nhiên, theo bác sĩ (BS) Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm, nắm được thông tin như vậy là do khi thăm khám bệnh nhân có nói là đã ăn phải quả này, quả kia chứ thực tế xét nghiệm để quy kết được nguyên nhân chính xác do quả nào thì rất phức tạp, người bệnh thường không đồng ý làm. Mặt khác, trước kia độc tính cấp tính trong thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản rất lớn nên người dùng chỉ cần ăn phải một liều lượng nhỏ cũng sẽ xuất hiện các biểu hiện ngộ độc rõ rệt, nhưng ngày nay “công nghệ tẩm hóa chất” vào hoa quả đã tinh vi hơn rất nhiều nên khó phát hiện ra hóa chất gây ngộ độc. Cũng theo BS Nguyên, nhiều loại hóa chất nếu ăn phải sẽ gây ngộ độc luôn nhưng cũng có nhiều loại không gây ngộ độc tức thời mà hóa chất sẽ tích lũy bên trong cơ thể. Về lâu dài sẽ gây tổn thương hệ thần kinh T.Ư, gây suy thận và các bệnh về máu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng.
Nho Mỹ nhập khẩu bán tại siêu thị Coopmart. 	Ảnh: Hoài Nam
Nho Mỹ nhập khẩu bán tại siêu thị Coopmart. Ảnh: Hoài Nam
Nhắc đến những ca ngộ độc do trái cây nhập viện trong thời gian gần đây, BS Nguyên vẫn nhớ đến trường hợp một nữ bệnh nhân ở Hà Nội giữa tháng 2 vừa qua do ăn phải ổi mà chính người nhà vừa phun thuốc kích thích tăng trưởng. Cũng may là tình trạng ngộ độc của cô gái không quá nặng bởi lượng thuốc kích thích đã được pha loãng với nước, xịt lên cây trong diện rộng nên thuốc bám vào không quá nhiều. “Đến cây trong nhà trồng chưa đủ thời gian cách ly sau phun thuốc vẫn gây ngộ độc nữa là hoa quả tràn lan bên ngoài, không ai kiểm soát được đã phun hóa chất gì và cách đó bao lâu để có thể khẳng định an toàn” - BS Nguyên nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, mặc dù TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa khẳng định, một số hóa chất dùng trong nông nghiệp như đất đèn, hoạt chất để thúc chín trái cây sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng trái cây nếu sử dụng ở mức độ cho phép an toàn. Vậy nhưng, đa phần người bán hàng lại sử dụng các loại hóa chất này theo kiểu “truyền miệng”, chỉ cốt để hoa quả tươi lâu, chín nhanh chứ không hề biết đến hàm lượng như thế nào là an toàn.

Chọn quả theo mùa vụ

Tại một cuộc họp về ATTP cách đây chưa lâu, chính Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phải thừa nhận rằng: “Chưa bao giờ đường đi từ dạ dày đến nghĩa địa lại ngắn như bây giờ!”. Quả thực, tình trạng thị trường hoa quả nội, ngoại bát nháo như hiện nay khiến NTD “vừa ăn, vừa lo”. Anh Nguyễn Xuân Quang (Đông Anh, Hà Nội) cho rằng, mắt thường khó có thể phân biệt được giữa trái cây đã tẩm hóa chất với trái cây “sạch”, có khi hoa quả đã qua “mông má” bằng hóa chất còn thu hút thị giác NTD hơn. Thậm chí, TS Thịnh cũng khẳng định, kể cả sử dụng các loại máy sục ozon để rửa hoa quả cũng không thể loại bỏ được lượng hóa chất tồn dư trong sản phẩm, không những thế người thường xuyên hít phải khí ozon dư thừa trong quá trình sục rửa sẽ bị tổn thương màng phổi. Trước tình trạng này, các chuyên gia y tế, chuyên gia dinh dưỡng đều có chung nhận định: NTD nên lựa chọn hoa quả theo mùa vụ để hạn chế tối đa việc tẩm hóa chất vào sản phẩm.

BS Nguyên mong muốn, Việt Nam nên có thêm những chuỗi cung ứng rau, củ, quả khép kín từ khâu trồng trọt, chăm sóc cho đến phân phối. Tuy nhiên, công tác quản lý cần minh bạch và rõ ràng. Nếu làm được như vậy, khi xảy ra ngộ độc sẽ nhanh chóng nắm bắt được nguyên nhân do đâu và có được hình thức xử lý phù hợp. Đồng quan điểm này, TS Thịnh cũng cho rằng: “Không thể khuyên NTD nên chọn loại quả này hay quả kia, dựa vào đặc điểm nào đó, bởi không có bất cứ dấu hiệu điển hình nào để nhận biết chúng có được tẩm hóa chất hay không. Chúng ta chỉ có thể khuyến cáo để họ thận trọng hơn khi mua các loại trái cây không rõ nguồn gốc, kể cả hàng nhập ngoại”. Theo TS Thịnh, điều quan trọng nhất là các cơ quan chức năng phải tăng cường quản lý chặt chẽ hoa quả nhập khẩu ngay ở cửa khẩu, sân bay và việc sử dụng các loại hóa chất bảo quản, thúc tăng trưởng rau, trái cây cũng như việc lưu thông các loại hàng hóa thiết yếu này ở trong nước.