Hóa ra lâu nay thế giới vẫn hiểu sai về Nhật Bản

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đất nước đắt đỏ bậc nhất với nhiều game show kỳ dị, là một trong những nhận xét hoàn toàn trái ngược về đất nước Mặt trời mọc.

Từ trước đến nay, nhiều giá trị của Nhật Bản vẫn luôn bị bạn bè quốc tế hiểu sai, thậm chí bị xuyên tạc thông qua những video trên mạng xã hội. Vậy đằng sau hình ảnh một quốc gia bị cho là cuồng công nghệ quá mức, đông dân hay nơi sản sinh những game show kỳ dị, Nhật Bản thực sự là đất nước như thế nào?

Cùng tìm hiểu sẽ thấy nhận thức sai lầm về Nhật Bản thường thấy trong những lĩnh vực sau: 

Nhật Bản đi đầu về công nghệ

Dù người Mỹ đã xếp Nhật là quốc gia cuồng công nghệ khi dòng máy nghe nhạc Sony Walkman ra đời vào năm 1980 hay những chiếc TV Sony đắt tiền và nhiều thiết bị như VCR và đầu DVD tràn ngập thị trường thế giới, Nhật Bản cũng không thực sự là cường quốc công nghệ vượt trội.

Thậm chí, một số nơi ở Nhật còn tụt hậu về công nghệ, điển hình là nhiều doanh nghiệp nước này vẫn dùng máy fax để giao dịch công việc. Không những vậy, trong khi 85% người Mỹ dùng dịch vụ truyền hình trực tuyến như Netflix thì ở Nhật tỷ lệ này chỉ 46%. Hay việc Gen Z Nhật Bản đang ưu tiên sử dụng băng cassette để nghe nhạc cũng cho thấy quốc gia này không hẳn bỏ xa các nước về mặt công nghệ.

Máy fax truyền thống vẫn được sử dụng phổ biến ở Nhật Bản. Nguồn: Mental Floss
Máy fax truyền thống vẫn được sử dụng phổ biến ở Nhật Bản. Nguồn: Mental Floss

Mọi người đều ăn sushi

Đối với nhiều người, dân Nhật cuồng sushi và món ăn này bắt nguồn từ đất nước Mặt trời mọc.

Dù sushi khá phổ biến ở Nhật Bản nhưng món ăn này được cho là xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc và Thái Lan từ 1600 năm trước. Vào năm 1820, Nhật Bản mới biết đến món sushi khi một người đàn ông tên Hanaya Yohei đã chế biến món cá tươi vừa đánh bắt ăn cùng với cơm.

Người Nhật chỉ thưởng thức sushi vào những dịp đặc biệt như sinh nhật. Đây cũng không phải món thường dùng để ăn kiêng, thay vào đó là các sản phẩm từ đậu nành, gạo, trái cây, rau và trà xanh.

Sushi cũng không hẳn là cá sống khi thuật ngữ này thường ám chỉ các món ăn có vị chua hay cũng không nhất thiết là món ăn gắn liền với cơm.

Đầu bếp Nhật Bản đang trưng bày sushi. Nguồn: Mental Floss
Đầu bếp Nhật Bản đang trưng bày sushi. Nguồn: Mental Floss

Nhật Bản siêu đắt đỏ

Khi nhìn vào giá cả ở Tokyo, nhiều người cho rằng Nhật Bản là đất nước khó sống. Tuy nhiên, chi phí sinh hoạt ở nền kinh tế thứ ba thế giới không thực sự quá cao, thậm chí còn rẻ hơn nhiều nước khác như Thụy Sĩ, Anh hay Úc. Ví dụ, nhà trọ ở Kyoto có giá chỉ 25 USD/đêm hay chỉ tốn vài USD cho một chuyến tàu thông thường hay tàu điện ngầm, những bữa ăn tuyệt vời với giá 25 USD hay chỉ với 4 USD đã mua được một suất ăn ở cửa hàng tiện lợi.

Còn nếu muốn sống ở đây, khách du lịch có thể lựa chọn căn hộ ở khu vực ngoại thành hoặc vùng nông thôn. Về giá cả, những khu vực này chắc chắn rẻ hơn nhiều thành phố lớn ở Mỹ, trong khi giao thông ở nơi đây còn thuận tiện hơn.

Một người dân Nhật tại cửa hàng đồ chơi. Nguồn: Mental Floss
Một người dân Nhật tại cửa hàng đồ chơi. Nguồn: Mental Floss

Nhật Bản đông đúc

Khi các phương tiện truyền thông thường nói đến sự tấp nập của Tokyo, thành phố có đến 37 triệu dân, nhiều người lầm tưởng rằng Nhật Bản là một quốc gia đông dân. Thực tế, nhiều nơi ở Nhật Bản dân cư thưa thớt, nhất là các vùng nông thôn có hàng triệu ngôi nhà bị bỏ hoang khi người dân đổ bộ đến các thành phố lớn như Tokyo, Osaka hay Nagoya lập nghiệp. Theo CNN, ngôi làng nhỏ Nagoro chỉ còn vỏn vẹn 30 người, chỉ toàn người già và trung niên. Vì lẽ đó, Chính phủ Nhật Bản đã phải triển khai gói trợ cấp trị giá 1 triệu yên(7.700 USD) cho gia đình nào chuyển đến vùng nông thôn sinh sống. Đáng báo động, tỷ lệ sinh ở nước này giảm xuống mức kỷ lục 1,17 vào năm 2017. Dân số Nhật Bản đến năm 2050 dự đoán giảm xuống chỉ còn 100 triệu người so với 125 triệu hiện nay.

Không phải nơi nào ở Nhật Bản cũng đông đúc. Nguồn: Mental Floss
Không phải nơi nào ở Nhật Bản cũng đông đúc. Nguồn: Mental Floss

Đeo khẩu trang chỉ để phòng bệnh

Vào năm 2020, trong khi cả thế giới buộc phải đeo khẩu trang để phòng chống dịch bệnh Covid-19, Nhật Bản lại xem đó là điều hiển nhiên và không thể thiếu trong cuộc sống. Không chỉ trong đại dịch, người Nhật mang khẩu trang vì nhiều nguyên nhân khác nữa.

Một số người đeo khẩu trang để giảm thiểu các triệu chứng của viêm mũi dị ứng và tình trạng dị ứng với các chất kích thích trong không khí. Trên thực tế, những người thợ mỏ Nhật Bản đã đeo khẩu trang từ thế kỷ 19 và sau đại dịch cúm năm 1918, chúng đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống người dân.

Đặc biệt, việc sử dụng khẩu trang đã tăng lên đáng kể sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011 khi người Nhật tin rằng khẩu trang có thể giảm thiểu việc tiếp xúc các mảnh vụn phóng xạ.

Một số người cũng đeo khẩu trang để tránh lộ mặt khi chưa trang điểm hay thậm chí để tránh giao tiếp xã hội.

Nhật Bản đầy rẫy game show kỳ lạ và nguy hiểm

Những game show kỳ lạ, nguy hiểm như việc người chơi bọc mình giống xác ướp hay hở hang, phản cảm chỉ chiếm thiểu số trong các chương trình truyền hình phát sóng tại Nhật. Nhằm giới hạn người xem, chúng thường được phát sóng vào ban đêm và không có lịch cố định. Bên cạnh đó, Chính phủ nước này cũng đặt ra nhiều tiêu chuẩn phát sóng khắt khe hơn cho những chương trình này. Đến năm 2000, nhiều chương trình đã buộc phải ngừng phát sóng trước áp lực dư luận.

Theo các nhà quan sát, để hiểu hơn về văn hóa, đời sống Nhật Bản, cộng đồng quốc tế cần phải nghiên cứu kỹ hơn và công tâm, khách quan khi đánh giá.