Hội họa là một sự lựa chọn
Lê Văn Miến quê làng Ông La, xã Kim Khê, huyện Nghi Lộc (Nghệ An), sinh ngày 13/3/1874, tại Vinh, trong một gia đình nhà Nho yêu nước.
Cha là cụ cử Lê Huy Nghiêm, Tri huyện tại Phú Lộc (Thừa Thiên), Đốc học Hải Dương, Án sát Hải Dương; sau lấy cớ về chịu tang cha và không ra làm quan nữa.
Năm 1888, Lê Văn Miến được chọn cùng Hoàng Trọng Phu, Thân Trọng Huề sang Pháp học Trường Thuộc địa (Ecole Coloniale) ở Paris là trường đào tạo các nhân viên cho chính quyền Pháp ở các thuộc địa.
Năm 1889, ông sang đến Paris, học ở Trường Thuộc địa. Theo nghiên cứu của tiến sĩ, họa sĩ Nguyễn Đình Đăng, từ ngày 20/10/1990, ông được nhận vào học tại xưởng của GS Jean-Léon Gérôme, một trong 3 giáo sư hội họa trưởng xưởng của Trường Mỹ thuật Paris (Tên lúc đó là École Nationale et Spéciale des Beaux-Arts, 1871 - 1913).
Tại đây, ông học cùng xưởng với họa sĩ nổi tiếng người Nga Pierre Ganski, nhập học sau ông một tuần (27/10/1890). Cùng khóa với ông còn có họa sĩ Victor Tardieu, người sẽ sáng lập và là Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Đông Dương (1925 - 1937), cũng được nhận vào xưởng của GS Léon Bonnat (ngày 21/10/1890).
Sau 2 năm học, Lê Văn Miến được GS Jean-Léon Gérôme khen ngợi là siêng năng, tiến bộ nhanh, và coi là một trong những học trò giỏi nhất của mình.
Trong thư gửi vượt cấp lên Bộ Giáo dục công, Mỹ thuật và Tín ngưỡng, GS Jean-Léon Gérôme viết: “Cậu thanh niên này học tại xưởng vẽ của tôi đã hai năm nay. Cậu rất siêng năng, và tôi cực kỳ thỏa mãn với những tiến bộ của cậu. Tôi có thể nói rằng cậu là một trong những học sinh giỏi nhất của tôi, cậu đã vẽ các bài nghiên cứu xuất sắc từ mẫu sống. Cậu xứng đáng về mọi mặt được hưởng sự bảo trợ từ các đồng nghiệp của tôi và thiện trí của ban giám hiệu trường”.
Sau 4 năm học tại xưởng của GS Jean-Léon Gérôme, Lê Văn Miến được GS Gérôme đề nghị Trường Mỹ thuật Paris và được trường đề nghị Bộ Giáo dục công, Mỹ thuật và Tín ngưỡng cho phép tham gia thi giành Prix de Rome. Tuy nhiên, đề nghị này đã không được chấp thuận vì ông không phải là công dân Pháp.
Trong thư của Trường Mỹ thuật Paris gửi Bí thư Thường trực của Viện Hàn lâm và Chánh văn phòng Bộ Thuộc địa (ngày 3/4/1894), có đoạn: “Sinh tại Vinh (An Nam, nước nằm dưới sự bảo hộ duy nhất của Pháp), cậu Miến, ngoài vòng thi đầu tiên để giành Prix de Rome, đã không được chấp nhận trong số các học sinh được gọi thi vòng hai năm nay, nhưng phác thảo của cậu rất có thể đã được xếp hạng nếu như điều kiện bắt buộc phải có quốc tịch Pháp được đáp ứng...
"Nếu trong năm tới cậu Miến có thể được nhập quốc tịch Pháp, cậu ta sẽ có thể đủ điều kiện để được giới thiệu vào vòng thi trước vòng tranh giải Grand Prix de Rome và có cơ may sẽ thành công”.
Việc ông nhập quốc tịch Pháp chắc là không xảy ra, vì nếu không, vào năm cuối ông đã có cơ hội sang Roma (Italia) để học hỏi và trang trí cho tòa thánh Vatican. Ông đã bị xóa tên khỏi danh sách đề cử do bị Tổng trưởng Thuộc địa bác bỏ.
Trong thời gian học tại Trường Mỹ thuật Paris, là một sinh viên xuất sắc, chắc chắn Lê Văn Miến sẽ có nhiều tác phẩm. Tiếc rằng, cho đến nay, chỉ có thông tin về một tác phẩm duy nhất. Đó là bức sơn dầu “Chân dung cụ Nguyễn Văn Mại”.
Thông tin này là từ ghi chép của chính cụ Nguyễn Văn Mại (1853 - 1945): “… Lúc ta đi Ba Lê, ông Lê Văn Miến là con thứ tư của thầy ta là Lê Kim Khê, người Nghệ An, cùng hai ông Thân Trọng Huề và Hoàng Trọng Phu, du học tại Pháp. Ông Lê Văn Miến tinh về nghề vẽ, gặp nhau mừng lắm. Ta có xin ông họa chân dung ta. Ông dùng một tấm vải Tây và dầu vẽ họa cho ta một bức bán thân. Mỗi buổi sáng đến vẽ một giờ, ba buổi thì xong. Khi về nhà trình cho mẹ ta xem, mẹ ta nói rằng mặt mũi đều giống hệt ta” (Lô Giang tiểu sử).
Năm 1895, Lê Văn Miến về nước. Công việc đầu tiên của ông là phụ trách vẽ minh họa cho nhà in Schneider, nhà in đầu tiên tại Hà Nội.
Sau đó, ông đã nhận lời về Vinh làm việc với Đào Tấn, Tổng đốc An - Tĩnh. Năm 1899, mở trường Pháp - Việt ở Vinh, Lê Văn Miến được cử làm Đốc giáo (Hiệu trưởng).
Năm 1902, Đào Tấn được cử giữ chức Thượng thư Bộ Công và đã đưa Lê Văn Miến vào làm Hành tẩu Bộ Công. GS Lê Thước - học trò của ông viết: "Với chức vụ ấy, cụ Miến đã vẽ nhiều tranh và bản đồ trong nội phủ, trong ấy có cả những mẫu súng mà Thành Thái muốn đúc".
Sau khi Đào Tấn bị cách chức (1904), Lê Văn Miến lại về Vinh dạy học cho đến năm 1907 mới trở vào Huế nhậm chức giáo sư hội họa và Pháp văn tại Trường Quốc học.
Năm 1913, ông đảm nhận vai trò trợ giáo, được phong hàm “Hàn lâm viện thị giảng tại Trường Hậu Bổ (Huế). Đến cuối năm 1914, ông được thăng chức Phó Đốc giáo, năm 1919 thăng làm Đốc giáo; năm 1921, chuyển sang Trường Quốc Tử Giám, rồi trở thành Tế tửu (Hiệu trưởng), kiêm dạy cả Pháp văn. Vì bị mờ mắt, ông về hưu vào năm1929.
Khi về hưu ông được thăng Lễ bộ Thượng thư trị sự Thiện đại phu. Ông mất năm 1943, hưởng thọ 71 tuổi.
Hơn 30 năm sau khi về nước, thời gian của ông chủ yếu dành cho nghề dạy học. Ông có làm quan nhưng không tách rời nghề giáo. Thời gian này ông vẽ rất ít.
Nhìn lại, ngay từ đầu, đã có cơ hội thăng tiến theo đường hoạn lộ khi theo học Trường thuộc địa nhưng ông vẫn đam mê và chủ động học hội họa. Có nghĩa, khi mới 17 tuổi, ông đã chọn hội họa làm sự nghiệp.
Ông đã nỗ lực phấn đấu để trở thành họa sĩ Việt Nam đầu tiên theo nghệ thuật hội họa châu Âu. Nhưng tài năng của ông đã không được phát huy sau khi về nước.
Phải chăng, vì lúc bấy giờ ở Việt Nam chưa có nền tảng xã hội về văn hóa, thẩm mỹ tương thích để tiếp nhận tư duy thẩm mỹ và hội họa hiện đại phương Tây, để tài năng Lê Văn Miến rơi vào tình thế “sinh bất phùng thời”?
Mở đầu cho hội họa hiện đại Việt Nam
Lê Văn Miến tạ thế ngày 6/6/1943 tại Huế. Đáng tiếc là tác phẩm của ông để lại không nhiều, chủ yếu là tranh chân dung.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi, Lê Văn Miến có các tác phẩm: Chân dung cụ Nguyễn Văn Mại (sơn dầu,1894); Chân dung cụ Tú Mền (sơn dầu, 1898); Bình văn (sơn dầu); Chân dung ông bà Lê Năng Nghiêm (phụ mẫu của tác giả; sơn dầu); Chân dung cụ Lê Văn Hy; Chân dung ông bà Nguyễn Khoa Luận (phụ mẫu của tác giả; màu nước); Chân dung cụ Đào Tấn; Chân dung cụ Hoàng Cao Khải (sơn dầu); Chân dung vua Thành Thái (sơn dầu?); Chân dung ông Menderès (sơn dầu). Gần đây (2014), Hội Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Việt Nam mới phát hiện thêm hai tranh màu nước nữa là Chân dung cụ ông Phan Văn Du và cụ bà Phạm Thị Thợi được cho là của Lê Văn Miến. Tất cả tranh của ông đều không đề tên tác giả và thời gian sáng tác.
Về kỹ thuật, có nhà nghiên cứu cho rằng ông có kỹ thuật vẽ sơn dầu và màu nước rất giỏi, thậm chí hơn cả các họa sĩ tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương sau này.
Tiếc rằng, phần lớn trong số các tác phẩm này đều đã bị thất lạc. Chỉ còn lại rất ít, đó là: Chân dung cụ Tú Mền (sơn dầu, 1898); Bình văn (sơn dầu); Chân dung ông bà Lê Năng Nghiêm (phụ mẫu của tác giả; Sơn dầu); Chân dung cụ Lê Văn Hy; Chân dung ông bà Nguyễn Khoa Luận và Chân dung cụ ông Phan Văn Du và Chân dung cụ bà Phạm Thị Thợi. Tuy nhiên, giới nghiên cứu mỹ thuật vẫn còn những ý kiến khác nhau khi xác định tác giả của một số tác phẩm như Bình văn, Chân dung ông bà Phan văn Du và Pham Thị Thợi… có chính xác là của Lê Văn Miến hay không. Ngay tác phẩm Bình văn nổi tiếng từ lâu đã được xác định là của Lê Văn Miến nhưng vẫn đang là một nghi ngờ mà Nguyễn Đình Đăng cho là 50/50 và là một tác phẩm chưa hoàn thiện về kỹ thuật?
Cho dù không để lại di sản mỹ thuật đồ sộ như nhiều tác giả thế hệ sau trưởng thành từ Trường Mỹ thuật Đông Dương nhưng Lê Văn Miến đã “đánh dấu một bước chuyển rõ rệt từ giai đoạn sáng tạo và hưởng thụ nghệ thuật dân gian phi phối cảnh, phi hình khối và hòa sắc sang giai đoạn hội họa sơn dầu hàn lâm cổ điển dựa trên luật viễn cận tuyến tính và kỹ thuật vẽ sơn dầu nhiều lớp hoặc vẽ trực tiếp” (Nguyễn Đình Đăng).
Từ năm 1894, với bức sơn dầu Chân dung ông Nguyễn Văn Mại, và những tác phẩm sau đó, Lê Văn Miến đã đặt viên gạch đầu tiên cho nền hội họa hiện đại Việt Nam. Họa sĩ Lê Văn Miến xứng đáng là người đầu tiên của hội họa hiện đại Việt Nam.