Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hóa Thạch Truông Bồn

Ghi chép của Giao Hưởng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Truông Bồn (31/10/1968 - 31/10/2018), báo Kinh tế & Đô thị xin giới thiệu bài ghi chép của Giao Hưởng - tác giả Phóng sự Ngược Truông Bồn về những kỷ niệm liên quan đến sự kiện oanh liệt và bi tráng của quân và dân Nghệ An.

Đại diện Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An, Hội đồng cố vấn Mỹ thuật Trung ương tại hiện trường dựng mẫu tượng năm 2013.
Thứ 7 (ngày 22/6/2013) tôi đang ở phố Tây Sơn, Hà Nội, anh Nguyễn Hồng Kỳ, GĐ Sở GTVT Nghệ An điện: Sáng mai đại diện Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An, Hội đồng cố vấn Mỹ thuật kiểm tra góp ý mẫu Đài tưởng niệm các liệt sĩ Truông Bồn tỷ lệ 1/1. Là chủ đầu tư dự án, Sở GTVT mời tác giả Phóng sự Ngược Truông Bồn tham gia, góp ý.
Tôi nhận lời vì trước đó tôi có biết công trình “Đài tưởng niệm các liệt sĩ Truông Bồn” thuộc Dự án bảo tồn tôn tạo Khu di tích lịch sử Truông Bồn, theo QĐ số 885/QĐ.UBND-ĐTXD, ngày 19/3/2013 của UBND tỉnh.
Sáng hôm sau dù trời Hà Nội đổ mưa tôi có mặt tại điểm hẹn đúng thời gian để nhập đoàn. Ngồi cùng xe tôi nói với anh Tô Hồng Hải - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Về kiến thức Tượng đài Mỹ thuật thì tôi như mù, được Sở GTVT mời sáng nay tôi đi cốt để được nghe 6 vị chuyên môn trong Hội đồng cố vấn góp ý cho các nghệ nhân thể hiện mẫu tượng đài.
Ôtô chạy ra phía ngoại thành khoảng 30 phút thì đến hiện trường dựng mẫu tượng. Trời vẫn mưa. Sau khi lắng nghe khoảng chục ý kiến gợi, góp ý của các họa sĩ tạo hình cố vấn của bên A (tỉnh Nghệ An chủ dự án), và ý kiến của nhà điêu khắc Phú Cường - “Tổng công trình sư” chỉ đạo công việc dựng mẫu tượng (bên B), cả đoàn đội mưa lội bộ xem các mẫu tượng của các hạng mục đã được thể hiện.
Vì mù mờ về kiến thức Tượng mỹ thuật nên tôi tập trung tìm hiểu ngoài chuyên môn. Theo nhà điêu khắc Phú Cường: Nếu rập đúng không gian tại Khu di tích Truông Bồn - nơi sắp tới dựng cụm tượng Đài tưởng niệm bằng chất liệu đá Thanh Hóa, theo tỷ lệ 1/1, bên B phải thuê thuê một khu đất liền mảnh tối thiểu 5.000 - 6.000m2 mới đủ diện tích mặt bằng trưng dựng mẫu tượng.
Dù anh Phú Cường đã dời mặt bằng dựng mẫu tượng ra ven TP, vậy mà lùng khắp vẫn chẳng tầm ra khu đất trống liền mảnh nào có được ngần ấy m2. Với điều kiện bất khả kháng, bên B buộc phải thuê 2 lô đất cách nhau mấy trăm mét và phải chia 2 địa điểm để thực hiện cụm mẫu tượng.
Mọi người đều phấn khởi trước khối lượng công việc, chất lượng mỹ thuật bên B đã đang thực hiện.
Tiểu đội 2, C317, TNXP Nghệ An đang lấp hố bom (Ảnh: TTXVN thực hiện tháng 7/1968)
Trưa hôm đó đoàn dùng cơm tại một nhà hàng ở nội thành, mọi người chuyện trò sôi nổi, tôi không biết chuyên môn Mỹ thuật điêu khắc đành góp “chuyện bên lề” tráng ca Truông Bồn, đại thể là:
Sự kiện Truông Bồn diễn ra ngày 31/10/1968, mãi 29 năm sau tôi mới viết Phóng sự Ngược Truông Bồn (báo Lao động ra ngày 10/5/1997) và 42 năm sau, ngày 1/12/2010, lần đầu tiên tôi mới tiếp cận được Biên bản xác nhận và báo cáo (gọi tắt là Biên bản hiện trường) lập ngày 4/11/1968 với 13 chữ ký của 13 đại diện các cơ quan chức năng từ cấp Quân khu đến Bí thư Chi bộ xóm. Nhờ được tiếp cận biên bản hiện trường lập sau 4 ngày, lần đầu tiên tôi biết một số chi tiết đặc biệt quan trọng về sự kiện bi hùng này. Trước khi chia tay ai về nhà nấy, cố họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam bắt tay tôi: Không đủ thời gian nghe “chuyện bên lề” của Giao Hưởng. Tháng 10 tới là kỷ niệm 45 năm sự kiện Truông Bồn, em nhớ viết để các anh đọc nhé !
Bất ngờ xúc động trước đề nghị của ông, tôi chỉ biết “dạ” mà thôi !
***
Khi sự kiện Truông Bồn xảy ra, tôi đang tuổi khăn quàng, thay vì biết một sự kiện bi hùng từng xẩy ra trên quê mình, tôi may mắn còn nhớ được một số cột mốc thời ấy:
Tháng 3/1968 Tổng thống Mỹ Giônxơn tuyên bố “ném bom hạn chế” từ vĩ tuyến 20 từ Khe Nước Lạnh trở vào. Nghệ An là tỉnh địa đầu phía bắc của chiếc “cán soong” phải chặt bỏ, các tuyến QL1A 30A, 15A... kênh nhà Lê và các tuyến GTVT khác qua đất Nghệ, nghiễm nhiên trở thành mục tiêu số mộtđể không quân hải quân Mỹ tập trung xóa sổ.
Nhằm giành thế chủ động trên bàn Hội nghị Pari vừa nhóm họp (5/1968), từ tháng 8 đến tháng 10/1968 Tổng thống Giônxơn thực hiện chiến dịch mang tên “nấc thang cuối cùng”, “ưu tiên” tập trung khối lượng đạn bom khổng lồtrút xuống đất Nghệ.
Cuối tháng 10/1968 ông Giônxơn lại tuyên bố “ném bom hạn chế” từ vĩ tuyến 19 (từ cầu Bùng, Nghệ An) trở vào, lệnh có hiệu lực từ 0h ngày 1/11/1968. Thực chất của cụm từ “ném bom hạn chế” là Mỹ tập trung bom đạn ở cấp độ cao nhất, cường độ đánh phá mạnh nhất nhằm chặt đứt “cán xoong” khu 4, chặt đứt huyết mạch QL1A, loại bỏ các trọng điểm bị giao thông, biến 16.500km2 tự nhiên của Nghệ An thành “bãi” khổng lồ hứng chịu đạn bom.
Quyết tử cho Truông Bồn thông xe. (Ảnh tư liệu)
Ngày ấy bố tôi làm Bí thư Chi bộ nên tôi lõm bõm nghe được: Giữa năm 1968, ta mở tuyến tiếp nhận hàng hóa từ biển, Mỹ lập tức tập trung bom thảm pháo bầy hòng biến gần 90 cây số bãi ngang từ Quỳnh Lưu đến Nghi Lộc thành “vành đai trắng”. Chỉ riêng huyện Nghi Lộc, từ 01/4 đến hết tháng 8/1968, đã phải oằn mình dưới 1354 trận oanh tạc với sức công phá của 26.607 quả bom các loại-chiếm 28% số trận đánh phá và 50% số bom trút xuống trong cùng thời gian trên toàn khu vực “cán xoong”!.
Ta lập mặt trận bảo vệ các trọng điểm giao thông Cầu Cấm, Phương Tích, Cầu Bùng, Rú Guộc, Rào Gang, Truông Bồ... Ta tập trung bảo vệ các trọng điểm này với binh lực ở cấp độ mạnh gồm, các trung đoàn pháo cao xạ, các tiểu đoàn công binh, nhiều đại đội TNXP, dân công hỏa tuyến, dân quân tự vệ. Từ ngày 2 - 9/9/1968 ta mở thêm tuyến vận tải đường thủy mang tên sông Lam, huy động nhân lực, phương tiện thuyền bè của ngư dân vào vận chuyển hàng hóa đường thủy, có lúc lên tới hằng vạn lượt người, cùng bộ đội, TNXP... kiên cường bám trụ làm nhiệm vụ trên các tuyến, các trọng điểm giao thông.
Sự kiện Truông Bồn đã 45 năm quá vãng (1968 - 2013), vậy mà sáng 26/6/2013, trong khi chuẩn bị thi công nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 15A đoạn qua địa phận xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn, bộ đội công binh rà phá bom mìn vẫn phát hiện trong khu vườn nhà dân xóm 8, xã Nam Hưng, quả bom nặng 230kg, được xác định là bom từ trường có sức công phá lớn, nằm cách mặt đất khoảng 2m.
Ngày ấy trên mặt trận GTVT sống chết không ranh giới, mỗi người dân là một chiến sĩ, là chiến binh tự nguyện với tên gọi chung là Nhân Dân. Và không chỉ riêng Truông Bồn, các “tọa độ lửa” khác trên đất Nghệ An đều góp vào lịch sử cứu nước chiến công của hàng vạn lượt người dân Việt Nam chân đất đầu trần, sát cánh cùng lực lượng bộ đội, TNXP “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Họ sau khi xả thân cứu nước đã không để lại tên tuổi. Chính Nhân Dân chứ không ai khác, đã tạc vào lịch sử cứu nước câu “xe chưa qua nhà không tiếc”, nôm na mà thành chân lý, mà thành nguồn sức mạnh, điều mà mãi những năm gần đây, các chiến lược gia quân sự Mỹ từng tham chiến trên chiến trường Việt Nam mới lý giải được, vì sao với một khối lượng đạn bom khổng lồ, với lực lượng không quân hải quân hùng mạnh nhất thế giới, mà vẫn không thắng nổi sức mạnh của một cuộc chiến tranh nhân dân.