Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoàn thiện Quy chế hỗ trợ tạm trữ lúa, gạo

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tại Thông báo số 431/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Quy chế hỗ trợ tạm trữ lúa, gạo.

Hoàn thiện Quy chế hỗ trợ tạm trữ lúa, gạo - Ảnh 1

Ảnh minh họa
 

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, việc hoàn thiện dự thảo phải tập trung đánh giá đúng bản chất và phù hợp với thực tế kinh doanh những thành công, hạn chế trong thực hiện cơ chế mua tạm trữ thóc, gạo thời gian vừa qua; thu thập, củng cố các số liệu liên quan đến sản xuất, thị trường tiêu thụ lúa, gạo hàng hóa, bảo đảm chính xác.

Đồng thời, xác định rõ mục tiêu của việc tạm trữ lúa, gạo, số lượng, thời hạn tạm trữ, đối tượng thực hiện, các điều kiện, chính sách hỗ trợ, chỉ tiêu đối với từng nhóm đối tượng tham gia tạm trữ lúa, gạo; các phương thức mua tạm trữ lúa, gạo đề ra phải được phân tích  kỹ ưu điểm, nhược điểm, bảo đảm khả thi, đáp ứng yêu cầu quản lý và khắc phục được những hạn chế bất cập hiện nay (nhất là việc hỗ trợ người nông dân tạm trữ và phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ lúa, gạo qua UBND cấp tỉnh).

Bên cạnh đó, xác định quy trình, cách thức quản lý, kiểm soát, tổ chức thực hiện việc tạm trữ lúa, gạo, bảo đảm chặt chẽ và khả thi; phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quy chế hỗ trợ tạm trữ lúa, gạo trong tháng 2/2013.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, trong khi chưa ban hành Quy chế hỗ trợ tạm trữ lúa, gạo, việc mua tạm trữ thóc, gạo tiếp tục thực hiện theo cơ chế hiện nay.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan nắm sát diễn biến tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa vụ Đông Xuân 2012-2013; kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương mua tạm trữ thóc, gạo trong tháng 1/2013, bảo đảm phù hợp thực tế thị trường, đạt mục tiêu điều hành và theo đúng quy định của pháp luật.

Thời gian qua, vào các thời điểm thu hoạch cao điểm ở khu vực ĐBSCL, giá lúa, gạo thường sụt giảm làm ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân. Trên cơ sở đề nghị của các Bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam thu mua tạm trữ từ 500.000 đến 1 triệu tấn quy gạo. Năm 2012 đã có 2 đợt mua tạm trữ, tổng lượng thu mua đạt 1,5 triệu tấn.

Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, phương thức mua tạm trữ này đã bộc lộ một số điểm chưa sát mục tiêu đề ra, việc phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ chưa phù hợp với khối lượng lúa hàng hoá của từng địa phương, thời gian thực hiện mua tạm trữ ngắn (chỉ trong 1 tháng) trong khi thời gian thu hoạch cao điểm ở các tỉnh chênh lệch nhau.

Có hiện tượng doanh nghiệp không mua lúa trực tiếp từ nông dân trồng lúa mà chủ yếu mua lúa, gạo qua thương lái nên nông dân không hưởng lợi trực tiếp. Cơ quan quản lý cũng khó kiểm soát được việc mua tạm trữ này.