Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoàn thiện ''thước đo'' chất lượng nông sản

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiêu chuẩn, quy chuẩn được xem là “thước đo” quan trọng phục vụ công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Hiện, Bộ NN&PTNT đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện hệ thống “thước đo” này.

Năm 2021, các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT triển khai xây dựng 307 tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng nông sản và an toàn thực phẩm. Kết quả đến tháng 7/2021, Bộ đã trình ban hành 4 quy chuẩn thuộc lĩnh vực thủy sản. Đồng thời, công bố, đề nghị công bố 39 tiêu chuẩn, và nghiệm thu, đề nghị thẩm định 68 tiêu chuẩn khác.

Thống kê đến tháng 7/2021, ngành NN&PTNT đã có 1.169 tiêu chuẩn và 227 quy chuẩn. Trong đó, riêng lĩnh vực quản lý vật tư nông nghiệp, chất lượng nông sản và an toàn thực phẩm hiện có 402 tiêu chuẩn và 32 quy chuẩn. Đến nay, tất cả các nhóm sản phẩm hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ NN&PTNT đều có tiêu chuẩn, quy chuẩn để áp dụng.
VCO là tiêu chuẩn chứng nhận sản phẩm hữu cơ của Việt Nam.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, việc hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đây được xem là những công cụ và “thước đo hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Dù vậy, ông Nguyễn Quốc Toản cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiệu lực áp dụng của một số tiêu chuẩn, quy chuẩn đã ban hành hiện nay khá ngắn. Một số tiêu chuẩn, quy chuẩn sau khi công bố, ban hành chưa đủ thời gian tối thiểu 3 năm đã phải rà soát, sửa đổi do không đồng bộ với các luật mới ban hành, nghị quyết của Chính phủ và các hiệp định quốc tế.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ tập trung rà soát, tiến tới hoàn thiện thủ tục huỷ bỏ 143 quy chuẩn về khảo nghiệm và điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Mục tiêu hướng đến là đơn giản hoá các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ.
Bộ NN&PTNT cũng sẽ tiếp cận theo hướng hài hòa với hệ thống tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế, để đảm bảo tính hội nhập trong phát triển thị trường nông sản. Đối với nhóm sản phẩm hàng hoá Việt Nam xuất khẩu, tiến tới cần xem xét áp dụng trực tiếp tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế. Đồng thời, xây dựng và công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn cơ sở để áp dụng tạm thời phục vụ công tác quản lý chuyên ngành...