Hoàn thuế giá trị gia tăng vẫn chậm, Cục Thuế “thúc” giải quyết nhanh
Kinhtedothi- Theo phản ánh của người nộp thuế, tại một số địa phương, tiến độ giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) vẫn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu về thời gian theo quy định.
Thông tin từ Cục Thuế, thời gian vừa qua, cơ quan thuế đã triển khai hiệu quả hoàn thuế điện tử đạt tỷ lệ 99%. Trong đó, khoảng 86% số hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng thuộc diện ‘‘hoàn thuế trước, kiểm tra sau’’ đã được cơ quan thuế giải quyết hoàn nhanh chóng trong vòng 6 ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ của người nộp thuế. Năm 2024, toàn ngành đã ban hành 19.806 quyết định hoàn thuế với tổng số tiền hoàn thuế là 156.941 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng 3 tháng đầu năm 2025, đã ban hành 3.911 quyết định với tổng số tiền hoàn thuế GTGT là 31.128 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2024.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)
Kết quả này đã góp phần tích cực vào việc hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư quay vòng vốn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.
Tuy nhiên, phía Cục Thuế thừa nhận, theo phản ánh của người nộp thuế, tại một số địa phương, tiến độ giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT vẫn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu về thời gian theo quy định.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hoàn thuế GTGT, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, Cục Thuế yêu cầu Chi cục trưởng các Chi cục thuế khu vực, Trưởng các ban, đơn vị thuộc Cục Thuế nghiêm túc triển khai một số nội dung.
Thứ nhất, tổ chức rà soát các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và các dự án đầu tư trên địa bàn. Chủ động hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư ngay từ khâu kê khai thuế, lập hồ sơ đề nghị hoàn thuế đảm bảo đầy đủ, đúng quy định, tránh để người nộp thuế gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Thứ hai, chỉ đạo các bộ phận chức năng rà soát, tổng hợp toàn bộ hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT còn tồn đọng. Phân loại hồ sơ theo nhóm đối tượng, mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, nông sản, thủy sản, sắt thép, linh kiện điện tử,… Xác định rõ khó khăn, vướng mắc và thời hạn giải quyết từng hồ sơ. Bố trí đầy đủ nhân lực, phân công nhiệm vụ cụ thể; tổ chức giám sát, kiểm tra tiến độ thực hiện hàng tuần. Phấn đấu đến hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ tồn quá hạn, ngoại trừ hồ sơ có rủi ro cao, có nghi vấn gian lận thuế đang xác minh, kiểm tra.
Đối với người nộp thuế có lịch sử tuân thủ tốt, hồ sơ đủ điều kiện, không có dấu hiệu rủi ro, thực hiện hoàn thuế đúng thời hạn quy định.
Đối với hồ sơ có rủi ro cao, có dấu hiệu gian lận, mua bán hóa đơn, trục lợi tiền hoàn thuế phải phối hợp với cơ quan chức năng để kiểm tra, xác minh thì các Chi cục Thuế ban hành văn bản thông báo cho người nộp thuế biết và phối hợp xử lý sau khi có kết luận của các cơ quan chức năng
Các Chi cục Thuế phân công công chức quản lý hỗ trợ doanh nghiệp, trực tiếp hướng dẫn người nộp thuế; tổ chức đối thoại, làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thời gian từ ngày 15/4/2025 đến ngày 29/4/2025 để tháo gỡ vướng mắc, kịp thời giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền. Đối với các vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo ngay về Cục Thuế để được hướng dẫn giải quyết.

Mỹ tuyên bố tăng thuế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên 145%
Kinhtedothi - Trong động thái leo thang căng thẳng thương mại chưa từng có, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 145% lên hàng hóa Trung Quốc, mức thuế cao nhất trong lịch sử quan hệ song phương.

Rủi ro thuế quan tạm lắng, chứng khoán Việt Nam tìm cơ hội bứt phá tháng 4
Thị trường Việt Nam khởi động tháng 4 với diễn biến sôi động, kỳ vọng được củng cố nhờ kết quả kinh doanh quý I và động thái chính sách quốc tế tích cực.

"Siết" quản lý thuế doanh nghiệp, hộ kinh doanh ngừng hoạt động
Kinhtedothi - Cục Thuế vừa phát đi thư ngỏ gửi các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đã ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn tất thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế, không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, yêu cầu khẩn trương thực hiện nghĩa vụ thuế để tránh bị xử lý theo quy định.