Hoàn trả cổ vật cho Việt Nam sau điều tra của FBI

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bảo tàng Lịch sử Quốc gia vừa tiếp nhận 10 hiện vật từ các thời kỳ khác nhau do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam trao trả Việt Nam. Điều đó cho thấy trách nhiệm bảo tồn di sản của dân tộc đang lưu lạc ở nước ngoài ngày càng được quan tâm.

10 hiện vật hồi hương

Thực hiện Công ước của UNESCO năm 1970 về các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc xuất nhập cảnh và buôn bán trái phép các tài sản văn hóa, trong đó Việt Nam là quốc gia thành viên. Năm 2013, trong cuộc điều tra tại bang Indianna, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã phát hiện công dân Donald Miller (hiện đã qua đời), tự xưng là nhà từ thiện và nhà khảo cổ nghiệp dư đã lưu giữ trái phép bộ sưu tập lớn cổ vật và hài cốt của gần 500 người người Mỹ bản địa và của nước ngoài.

Các cổ vật được Mỹ trao trả cho Việt Nam.
Các cổ vật được Mỹ trao trả cho Việt Nam.

Năm 2014, FBI đã thu hồi hơn 7.000 đồ vật/hiện vật, Donald Miller sau đó từ bỏ quyền sở hữu với các đồ vật này, hợp tác với FBI, mong muốn các đồ vật được trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp. Ngày 27/2/2019, FBI công bố thông cáo báo chí trên website của FBI, tuyên bố mong muốn trao trả các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp về với cộng đồng mà chúng thuộc về, đồng thời kêu gọi các chính phủ nước ngoài liên hệ và cử chuyên gia giám định liên hệ với FBI.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã gửi Bộ VHTT&DL thông báo về việc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đề nghị trao trả một số cổ vật được xác định là có nguồn gốc Việt Nam. Ngày 6/5/2022, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTT&DL) đã gửi văn bản đến Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ và các cơ quan liên quan khẳng định việc Bộ VHTT&DL tiếp nhận số cổ vật trên là đúng quy định theo điều 45 Luật Di sản văn hóa và giao Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp nhận số cổ vật trên qua đường ngoại giao và lưu giữ, quản lý theo quy định.

Ngày 5/8/2022, được sự đồng ý và ủy quyền của Bộ VHTT&DL, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã tiếp nhận số cổ vật từ FBI. Ngày 31/8/2022, tại Washington DC (Mỹ), đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã bàn giao cho Vụ Châu Mỹ (Bộ Ngoại giao) trực tiếp mang về Việt Nam để bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ngày 4/10/2022, tại Vụ Châu Mỹ (Bộ Ngoại giao), đại diện Bảo tàng Lịch sử quốc gia cùng thành viên Hội đồng Giám định cổ vật của Bộ VHTT&DL đã xem xét, giám định hiện vật và nhận bàn giao tổng số 10 hiện vật trên từ Vụ Châu Mỹ (Bộ Ngoại giao) gồm: 1 rìu đá Hậu kỳ đá mới, 4 hiện vật (3 rìu đồng, 1 nồi gốm) văn hóa Đông Sơn, 3 tượng cá sấu đá thế kỷ 1 - 2 sau công nguyên, 2 tẩu đồng thế kỷ XVII - XVIII.

Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tiếp nhận, lưu giữ và hoàn thiện hồ sơ khoa học và tiếp tục nghiên cứu, lập kế hoạch phát huy giá trị của sưu tập hiện vật trong thời gian tới.

Trách nhiệm bảo tồn di sản dân tộc

Theo các chuyên gia, việc tiếp nhận 10 hiện vật từ các thời kỳ khác nhau do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam trao trả là hoạt động hết sức ý nghĩa khi Việt Nam đang hướng đến kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Điều này thể hiện nỗ lực vượt qua khó khăn khi nước ta chưa có quy định cơ chế rõ ràng để hồi hương cổ vật. Dưới góc độ khác, khi cổ vật về tới Việt Nam, không chỉ bổ sung cho sưu tập hiện vật của Bảo tàng, mà còn mở ra cánh cửa sưu tập các hiện vật ý nghĩa, trong nước rất cần sưu tầm bổ sung để có những trưng bày phong phú, hấp dẫn hơn, phản ánh đúng giá trị văn hóa Việt Nam.

Nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc chia sẻ: “Sự kiện nói lên rằng, di sản văn hóa luôn mang giá trị nhân loại, thế giới càng ngày càng hướng tới những giá trị và hành xử chung trong tôn trọng di sản của quá khứ. Chúng ta hội nhập với thế giới, cả hệ thống pháp lý của thế giới, trong đó có việc bảo tồn những giá trị văn hóa. Thời gian vừa qua, chúng ta đã chứng kiến khá nhiều sự kiện các quốc gia trao trả di sản cho nhau. Điều đó cho thấy chúng ta càng có trách nhiệm bảo tồn di sản của dân tộc mình, quan tâm hơn tới di sản của Việt Nam đang lưu lạc ở nước ngoài do nhiều nguyên nhân của lịch sử. Và nếu chúng ta làm tốt cam kết quốc tế, duy trì quan hệ tốt đẹp, chúng ta có cơ hội thu hồi di sản, và lan tỏa giá trị di sản ấy trong giá trị chung của nhân loại”.

Sự kiện này cũng cho thấy Chính phủ và các cơ quan văn hóa vào cuộc nhanh. Quan trọng hơn, có thể thấy, các cơ quan quản lý Nhà nước không những trao đổi thông tin, mà từng bước phối hợp để thu hồi các hiện vật cần thiết về nước, tăng cường hiểu biết giữa Việt Nam và các quốc gia khác, khắc phục những hậu quả của quá khứ.

 

Đây là công việc không mới, nhưng thời gian gần đây, với vị thế của Việt Nam và sự quan tâm nhiều hơn đến văn hóa, cổ vật, chúng ta đã kịp thời tiếp cận và có kết quả đáng khích lệ. Khi tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin, tính chủ động và chuyên nghiệp đã mang lại kết quả, đưa cổ vật về đúng nơi của nó. Tôi nghĩ tiếp sau đây sẽ có nhiều cổ vật được hồi hương và phát huy giá trị.

Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ VHTT&DL Trần Nhất Hoàng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần