Tình trạng nuôi chó thả rông đang tồn tại nhiều năm qua ở ngay trong hàng loạt trụ sở cơ quan trên địa bàn huyện Thường Tín cũng như nhiều địa phương khác đã và đang gây bức xúc và nguy hiểm cho người dân mỗi khi đến giao dịch công việc.
Cụ thể, hiện nay tại trụ sở UBND xã Tân Minh đang được anh em cán bộ Công an xã nuôi tới 3 con chó với đủ các sắc màu và từ sáng đến tối được thả rông chạy khắp trong trụ sở cơ quan. Tiếp đó, tại trụ sở UBND xã Văn Bình cũng được anh em Công an xã nuôi 1 chú có to cỡ gần 20kg.
Có mặt tại trụ sở UBND xã Tân Minh và xã Văn Bình chiều 17/2 nhận thấy, do Công an xã chưa được xây dựng trụ sở nên phải ở tạm trong trụ sở UBND xã từ khi thành lập. Hàng ngày người dân đến giao dịch khá đông, tuy nhiên bất kỳ ai khi đến đây đều được các chú chó thả rông không rọ mõm tiếp cận.
Nhiều người dân hàng ngày đến 2 trụ sở UBND 2 xã này cho biết, các địa phương trong TP Hà Nội đang quyết liệt tập trung xử lý, bắt chó thả rông không rọ mõm ở ngoài đường và các khu công cộng theo đúng tinh thần chỉ đạo của TP.
Ngược lại, hiện nay tại nhiều trụ sở UBND các xã của huyện Thương Tín lại để lực lượng Công an chính quy cũng như bảo vệ trụ sở cơ quan nuôi chó và thường ngày thả rông chạy khắp trụ sở cơ quan gây ảnh hưởng cho người dân khi đến giải quyết công việc thì lại chưa được quan tâm, xử lý.
Lý giải về nội dung này, Chủ tịch UBND xã Tân Minh Nguyễn Công Bằng cho biết, lãnh đạo địa phương đã biết và nhắc nhở, yêu cầu anh em Công an xã khắc phục tình trạng này, nhốt hoặc xích 3 chú chó lại trong giờ làm việc rồi. Tuy nhiên, việc nhắc nhở đã không đem lại hiệu quả như mong đợi.
Còn Bí thư Đảng ủy xã Văn Bình Nguyễn Chí Tình lý giải, việc anh em Công an xã nuôi chó chủ yếu để tận dụng “cơm thừa, canh cặn”, cho đỡ lãng phí. Tuy nhiên, anh em Công an xã thường ngày vẫn thả chó chạy rông khắp trụ sở UBND xã như phóng viên phản ánh là rất đúng và không thể chấp nhận được.
Nuôi chó vốn là một tập quán tốt đẹp của người Việt, nó hàm chứa hai yếu tố tích cực là làm thỏa mãn nhu cầu tình cảm của người nuôi và trông giữ tài sản cho họ. Pháp luật không có quy định nào về việc cấm nuôi chó kể cả việc nuôi chó ở trong trụ sở các cơ quan.
Tuy nhiên, người nuôi chó phải trông giữ, nuôi nhốt cẩn thận để tránh trường hợp chó tấn công người (đặc biệt đối với trường hợp chó đã mắc bệnh dại), ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Pháp luật quy định khá cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ của người nuôi chó.
Nếu để chó làm gây thương tích, thiệt hại tài sản cho người khác thì bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do vật nuôi của mình gây ra.
Để việc nuôi chó được an toàn, không gây thiệt hại cho người khác, ngoài việc người chủ vật nuôi phải tự giác chấp hành các quy định của pháp luật thì mọi người đều có quyền yêu cầu người chủ vật nuôi chấm dứt hành vi vi phạm.
Không những gây lo lắng về nguy cơ gây thương tích cho người, tình trạng chó phóng uế bừa bãi cũng khiến người dân khi đến trụ sở cơ quan hoặc ở các khu dân cư "đau đầu" vì chứng kiến cảnh mất vệ sinh khi đến giao dịch công việc…