Đột phá về xây dựng thể chế
Cách đây 75 năm, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo phải tập trung tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc dân đại hội (Quốc hội). Người đã ký Sắc lệnh số 14 ngày 8/9/1945 và Sắc lệnh số 51 ngày 17/10/1945 về tổ chức Tổng tuyển cử. Trên cơ sở sắc lệnh đó, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được tiến hành ngày 6/1/1946.Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên được tiến hành theo nguyên tắc dân chủ, tiến bộ, đó là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, là một mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước ta.Kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 đến nay, trải qua 14 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội Việt Nam không ngừng trưởng thành và đổi mới, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Trải qua 14 khóa, trong hoạt động lập pháp, chất lượng ngày càng được nâng lên, giải quyết nhiều vấn đề trong đời sống xã hội, với nhiều đạo luật lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Đến nay, Quốc hội đã ban hành 5 bản Hiến pháp (1946, 1959, 1980, 1992, 2013), hàng trăm luật, bộ luật; tạo hành lang pháp lý vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế... Bên cạnh đó, Quốc hội cũng thường xuyên xem xét sửa đổi, bổ sung những đạo luật để điều chỉnh các quan hệ của đời sống xã hội, tạo nên một hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh hơn.Chỉ tính riêng nhiệm kỳ khóa XIV này, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua, ban hành 71 luật, 2 pháp lệnh, 85 Nghị quyết. Qua những con số này, có thể thấy khối lượng công việc nặng nề mà các đại biểu Quốc hội trong thời gian qua đã thực hiện. Nhưng một điều quan trọng hơn là những luật này khẳng định được hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Trong đó có nhiều luật quan trọng, tháo gỡ kịp thời những khó khăn trong thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tạo hành lang pháp lý cho công tác điều hành của Chính phủ và các địa phương.Tinh thần dân chủ được phát huyMỗi nhiệm kỳ, một kỳ họp đi qua, Quốc hội lại có những dấu ấn, đổi mới được cử tri ghi nhận. Tinh thần dân chủ, sáng tạo và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội được thể hiện ngay trong các cuộc thảo luận đầy trí tuệ và trách nhiệm tại kỳ họp trong những khóa đầu tiên. Cùng với quá trình phát triển, hoạt động của Quốc hội liên tục được đổi mới một cách mạnh mẽ, đưa nghị trường tới gần với người dân. Những vấn đề thực tiễn của cuộc sống được phản ánh, trao đổi một cách kịp thời, thẳng thắn, trách nhiệm trước diễn đàn Quốc hội.Như chính các đại biểu đã nhận định, gần đây, một dấu ấn đổi mới rõ rệt là “Quốc hội tranh luận” đã hình thành. Tranh luận để tìm tiếng nói chung, tìm ra quyết sách đúng để đưa đất nước phát triển. Đó là một tinh thần rất dân chủ. Tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XIV, có thể thấy những cuộc chất vấn, tranh luận trên nghị trường rất sôi nổi, khi cần thiết có thể giơ biển tranh luận ngay.Cùng với đó, việc áp dụng công nghệ thông tin cũng giúp khoảng cách giữa các đại biểu với cử tri ngày càng được thu hẹp. Năm 2019, lần đầu tiên Quốc hội áp dụng công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo trong việc điều hành kỳ họp, hướng tới xây dựng Quốc hội điện tử. Đặc biệt, năm 2020, trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, một lần nữa, Kỳ họp thứ 9 đánh dấu điểm nhấn quan trọng trong lịch sử hoạt động của Quốc hội khi lần đầu tiên, Quốc hội đã ứng dụng công nghệ thông tin để họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu các tỉnh, TP. Điều đó cho thấy, tiếp nối truyền thống 75 năm, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Quốc hội luôn nỗ lực, trách nhiệm vì lợi ích của cử tri, Nhân dân và đất nước.