Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoạt động mê tín dị đoan: Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật sư cho biết, hoạt động mê tín dị đoan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xoá án tích mà còn vi phạm...

Xác minh, xử phạt các cô đồng

Sau khi tiếp nhận đơn thư của người dân liên quan đến cô đồng bổ cau “đúng nhận, sai cãi”đang nổi tiếng trên mạng xã hội, Công an thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) đã vào cuộc xác minh, làm rõ.

Cô đồng Trương Thị Hương từng bị Công an thị xã Kinh Môn xử phạt cách đây không lâu
Cô đồng Trương Thị Hương từng bị Công an thị xã Kinh Môn xử phạt cách đây không lâu

Theo đó, từ ngày 17/2, Công an thị xã Kinh Môn vào cuộc, tiếp tục làm việc với cô đồng Trương Thị Hương (sinh năm 1986, ở phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn), để xác minh, làm rõ việc người dân “tố” đưa hàng chục triệu đồng cho cô làm lễ nhưng không được việc. Nếu kết quả xác minh có dấu hiệu vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cô đồng Trương Thị Hương chính là cô đồng đang “hot” trên mạng xã hội những ngày qua với câu nói “đúng nhận, sai cãi” khi xem bói bằng cách bổ cau.

Cô đồng này ngày 9/2 đã từng bị Công an thị xã Kinh Môn ra quyết định xử phạt vi phạm hành 7,5 triệu đồng do có hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín dị đoan… không phù hợp thuần phong mỹ tục”, quy định tại Điểm b, Khoản 1, Nghị định 15/2020, đã được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 14/2022. Đồng thời, yêu cầu gỡ bỏ các thông tin vi phạm đã đăng tải trên mạng xã hội.

Vụ việc tương tự ở tỉnh Thái Bình, lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn để trục lợi, bà Hoàng Thị Lựu (sinh năm 1957, ở xã Đông Quan, huyện Đông Hưng, Thái Bình) - cô đồng “đúng nhận nhanh, sai cãi mau” đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính 3 triệu đồng.

Hình ảnh bà Hoàng Thị Lựu hành nghề mê tín tại nhà được ekip VTV ghi lại
Hình ảnh bà Hoàng Thị Lựu hành nghề mê tín tại nhà được ekip VTV ghi lại

Cụ thể, Chủ tịch UBND xã Đồng Quan Tống Hồng Phong đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính với bà Hoàng Thị Lựu vì “Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn để trục lợi”, được quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 15, Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa.

Theo đó, trong clip được VTV ghi lại, bà Hoàng Thị Lựu (nghề nghiệp trồng trọt) được xác định đã mở điện rồi thực hiện hoạt động xem bói, gọi hồn…

Mê tín dị đoan bị pháp luật nghiêm cấm

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, sự việc hầu đồng nếu chỉ dừng lại văn hóa tâm linh, hoặc chỉ dừng lại ở các buổi hát hầu đồng, văn hóa, nghệ thuật thì pháp luật không cấm. Tuy nhiên, biến tướng sang hình thức mê tín, dị đoan, gây ra hoang mang, lo sợ và nhằm mục đích trục lại thì bị pháp luật cấm.

Thực tế việc xem bói là một dạng mê tín, dị đoan, khiến cho người nghe tin vào những giải thuyết, những điều không có thật hoặc nhằm đến những nạn nhân đang mất phương hướng về cuộc sống, tình cảm, công việc. Người xem bói tự phán ra một số giải thuyết, bói dựa, hoàn toàn không có cơ sở thực tế. Khi người nghe cho rằng đúng thì đối tượng xem bói tìm mọi cách trục lợi bằng cách lừa tiền cúng lễ.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng

Trường hợp nạn nhân không nộp tiền sẽ tìm cách đe dọa bằng các biện pháp tâm linh; khiến nạn nhân thường lo lắng, hoang mang và để trấn an, yên tâm sẽ chấp nhận bỏ ra số tiền lớn để cúng lễ. Thực chất, hoạt động này không có cam kết, khẳng định những điều cô đồng, thầy bói nói ra là thật, kể cả việc cúng bái có loại trừ được các rủi ro hay không? Trong khi, người dân cũng chỉ biết tin, hy vọng may mắn sẽ đến với mình.

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, mê tín dị đoan bị pháp luật nghiêm cấm hoạt động ở Việt Nam. Cụ thể theo tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định cấm cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan… với mức xử phạt cao nhất hành vi này lên đến 20 triệu đồng.

Bên cạnh đó, hoạt động mê tín dị đoan còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xoá án tích mà còn vi phạm theo quy định tại Điều 320 Bộ luậtHình sự, mức xử phạt cao nhất lên đến 10 năm tù.

“Để dẹp được nạn xem bói, bói toán hoặc các hình thức tương tự, các cơ quan nhà nước cần vào cuộc quyết liệt, xử phạt nghiêm. Đồng thời người dân cũng cần tỉnh táo, không nên tin vào những lời bói toán không có cơ sở. Nếu trường hợp bị lừa, ép mất tiền nên trình báo cơ quan chức năng để xử lý theo quy định” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm.

Theo các chuyên gia pháp luật, pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo của mọi công dân. Tuy nhiên, pháp luật cũng nghiêm cấm hành vi lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để trục lợi. Nghiêm cấm hành vi tuyên truyền những điều nhảm nhí, mê tín dị đoan, không phù hợp với đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục. Dưới góc độ pháp lý, hành vi bói toán, xem tướng số hoặc các hoạt động mê tín dị đoan khác đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả xảy ra, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.