Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Học phí tăng, lạm thu có giảm?

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mức học phí năm học 2016 - 2017 của Hà Nội tăng cao nhất là 20.000 đồng/học sinh (HS)/tháng, thấp nhất là 2.000 đồng/HS/tháng, áp dụng cho bậc mầm non và phổ thông.

Câu hỏi đặt ra là mức tăng học phí này có thực hiện được mục tiêu giảm lạm thu, tăng chất lượng mà nhà quản lý giáo dục kỳ vọng?

Không "ngại" tăng học phí

Mức học phí được HĐND TP Hà Nội thông qua áp dụng cho bậc mầm non, phổ thông công lập đều tăng ở mức cao nhất đối với khu vực thành thị là từ 60.000 đồng lên 80.000 đồng/HS/tháng. Mức tăng ở khu vực nông thôn là từ 30.000 đồng lên 40.000 đồng/HS/tháng. Riêng khu vực miền núi tăng từ 8.000 đồng lên 10.000 đồng/HS/tháng, chênh 2.000 đồng. Có thể thấy, sự chênh lệch về học phí giữa các khu vực khá lớn thay vì tăng đồng đều với mọi đối tượng.
Chăm sóc cho trẻ học tại trường Mầm non A, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Hùng
Chăm sóc cho trẻ học tại trường Mầm non A, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Công Hùng
Với mức tăng học phí đó, khá nhiều người khẳng định, tăng thêm một đến hai chục ngàn đồng/tháng không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế gia đình. Anh Nguyễn Khắc Lợi, có con học trường Mầm non Kim Liên (quận Đống Đa) chia sẻ: “So với khoản thu của khối ngoài công lập trung bình từ 2,5 - 5 triệu đồng/tháng, rõ ràng học phí trường công lập không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, vấn đề ở đây, tăng học phí phải song hành với hạn chế được các khoản thu phát sinh đầu năm học. Không hạn chế được các khoản thu ngoài, dù học phí thấp cũng sẽ tác động xấu tới tâm lý phụ huynh”. Thực tế, không chỉ phụ huynh khu vực nội thành, mà cả phụ huynh khu vực ngoại thành cũng đồng tình với việc tăng học phí để giảm các khoản thu ngoài học phí. Chị Nguyễn Thị Hòa, ở huyện Thanh Oai cho hay: “Tăng 2.000 đồng/HS/tháng không ảnh hưởng gì, chúng tôi chỉ lo các khoản thu ngoài học phí. Bên cạnh đó, chúng tôi mong học phí tăng, đồng nghĩa chất lượng dạy và học phải được tăng lên”.

Ở góc độ nhà trường, với điều kiện ngân sách hạn hẹp, tăng học phí cũng cần thiết trong bối cảnh phải đáp ứng đổi mới giáo dục ở các bậc học. Ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức cho biết, việc tăng học phí sẽ đem lại những tác động tích cực trong các trường công. “Hiện, chi phí của trường mới tập trung vào phục vụ giảng dạy chuyên môn. Các hoạt động ngoại khóa, mua sắm trang thiết bị... chỉ làm cầm chừng. Hy vọng, có sự đồng tình của xã hội, các nguồn đóng góp cho giáo dục Hà Nội sẽ tiếp tục tăng lên, phù hợp với yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng dạy - học” - ông Bình chia sẻ.

Xử lý nghiêm trường thu sai

Nhằm ngăn chặn tình trạng thu nhiều, thu sai, đặc biệt là trước phản hồi từ phía phụ huynh về việc lạm thu vào đầu năm học mới, Hà Nội đã ban hành quy định về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Quy định này xác định cụ thể 10 khoản thu được phép thu của phụ huynh, trong đó có: Tiền bán trú; học 2 buổi/ngày; học phẩm; nước uống; bảo hiểm y tế; dạy thêm, học thêm... Ngoài danh mục quy định, phụ huynh không phải nộp bất cứ khoản nào khác. Ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT cũng khẳng định, việc tăng học phí sẽ tạo thuận lợi cho nhà trường trong việc tăng cường đầu tư, tổ chức các hoạt động giáo dục phục vụ HS, để các nhà trường không phải thu thêm từ cha mẹ HS. Kinh phí từ quỹ phụ huynh chỉ phục vụ trực tiếp cho hoạt động của HS, tuyệt đối không được sử dụng để chi mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học; nâng cấp, xây dựng hoặc khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường... Để ngăn chặn tình trạng lạm thu, nhất là việc lạm dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ HS, các nhà trường cần thực hiện nghiêm Thông tư của Bộ GD&ĐT về Điều lệ ban đại diện cha mẹ HS. Sở sẽ nghiêm khắc và quyết liệt trong việc xử lý các trường hợp sai phạm.

Với mức tăng học phí nêu trên, phần kinh phí tăng thêm so với mức thu đang thực hiện của các nhà trường trên toàn TP là hơn 112 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, để bảo đảm công khai, minh bạch, nghiêm túc trong công tác tài chính, Hà Nội sẽ có cơ chế giám sát các nhà trường trong quá trình triển khai, bảo đảm thực hiện đúng tỷ lệ chi theo quy định, nhất là trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục phục vụ HS.