Học sinh chỉ nên sử dụng facebook 30 phút

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Học sinh (HS) sử dụng facebook (FB) không đúng cách - nỗi lo của người lớn bấy lâu nay, càng lớn thêm khi kỳ nghỉ Hè 2016 sắp bắt đầu.

Khẳng định sử dụng FB quá nhiều khiến HS xa rời cuộc sống thực tại, bà Vũ Thu Hà – chuyên gia tham vấn tâm lý tuổi hồng trường THCS Ngô Sỹ Liên cho rằng: HS chỉ nên vào FB nửa tiếng mỗi ngày. 

Mất khả năng đối mặt đời sống thực

Quan điểm của bà thế nào khi ngày càng nhiều HS sử dụng mạng xã hội FB?

- Ban đầu, FB giúp người ta chia sẻ, trao đổi, kết nối với nhau, cũng như tìm hiểu thông tin, nhưng dần dần các bạn trẻ chưa hiểu rõ mục đích sử dụng FB, dễ dẫn đến vượt quá thời gian và không đúng mục đích ban đầu. Chẳng hạn, một số HS THCS, THPT có cách dùng FB rất tiêu cực như đăng tải hình ảnh quá thân thiện về vật chất; comment nói bậy, làm tổn thương người khác. Hay có những bạn dùng FB để tìm hiểu thông tin mà đáng lẽ ở lứa tuổi đó chưa nên tìm hiểu như về sức khỏe, giới tính. Một vấn đề nữa là các bạn sử dụng FB quá thời gian, sử dụng bất cứ lúc nào.

Khi HS vào FB quá nhiều thời gian và sử dụng không đúng cách sẽ dẫn đến hệ lụy gì, thưa bà?

  - Khi quá quan tâm đến FB sẽ khiến HS không tập trung vào học tập, đôi khi dễ dẫn đến hiện tượng trì hoãn. FB giúp thỏa mãn ở mục tiêu ngắn hạn hay thư giãn, đó là điều không ổn với các bạn trẻ sử dụng trang mạng này. Đã có những thanh thiếu niên đang "sống ảo" trong đời sống thực bởi các bạn luôn để FB sáng (online 24/24 giờ) và bất cứ lúc nào nhận được comment là lập tức trả lời. Các bạn không thừa nhận sử dụng FB nhiều, nhưng thực tế là đang chờ đợi một cái gì đó để trao đổi, chia sẻ.

Chúng ta nhận thấy các bạn trao đổi trên FB nhiều hơn là đối thoại hàng ngày. Mà rõ ràng trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là giao tiếp cần nhiều kỹ năng, sự thấu hiểu, chia sẻ. Nhưng FB là quá trình lặp đi lặp lại những comment, like và không phải đời sống thực. Tôi muốn nhấn mạnh, khi không có sự rèn luyện các kỹ năng sẽ khiến nó dần mất đi và khó có khả năng giao tiếp, đối mặt ở đời sống thực hàng ngày. Điều này dần dần ảnh hưởng đến giá trị sống.

Sử dụng FB tích cực là…

Là Giám đốc Trung tâm Hoa mặt trời, hẳn bà đã gặp trường hợp cần tư vấn vì ảnh hưởng tâm lý do sử dụng FB quá nhiều?

- Tôi chưa gặp nhiều trường hợp bị ảnh hưởng sâu sắc từ FB, nhưng việc bị mất tập trung, thiếu động lực, không theo được mục tiêu, có kết quả học tập không tốt khi các em xao nhãng hoặc comment những lời không tốt để giải tỏa cảm xúc tiêu cực trên FB thì đã có. Đó là những điều tôi nghĩ cần phải chỉnh lại để giúp các em trở về cuộc sống hiện tại nhiều hơn. Cần sử dụng FB hợp lý về thời gian cũng như các chương trình sử dụng trong internet hay cách ứng xử phù hợp và tích cực trên FB.

Vậy thế nào thì được gọi là sử dụng FB hợp lý và phù hợp với lứa tuổi học sinh, thưa bà?

- Thứ nhất, HS phải biết ngôn ngữ sử dụng trên FB. Tiếp đến, những ngôn từ trong status là tích cực. Thứ ba, không dùng FB để làm hại ai và chửi bới nhau. Tiếp đến, sử dụng FB đúng thời gian, khoảng 30 phút/ngày, like hoặc comment tích cực. Một việc cần chú ý, FB cũng có thể là nơi gặp nguy hiểm, vì thế không nên đưa quá nhiều những hình ảnh cá nhân mang tính riêng tư, rất dễ dẫn đến bị lừa gạt. Đặc biệt là địa điểm trường học, ảnh chụp gia đình, số điện thoại hay những gì liên quan đến bố mẹ.

Yêu cầu chỉ sử dụng FB 30 phút một ngày e rằng khó khả thi?

   - Khi các em sử dụng FB cần có sự hướng dẫn của người lớn. Hãy cho trẻ sử dụng FB từ máy tính cùng với mọi người trong gia đình, không nên là điện thoại, máy tính cá nhân, bởi sẽ dẫn đến sử dụng quá nhiều thời gian. Phụ huynh cũng cân nhắc việc khi các con qua 18 tuổi hãy cho sử dụng đồ đắt tiền hay dùng những thứ riêng.

Nhưng đa số HS cấp 2, 3 hiện nay, thậm chí tiểu học đã được cha mẹ trang bị điện thoại có kết nối mạng?

- Tôi nghĩ chỉ nên cho các em sử dụng điện thoại có chức năng nghe - nói để kết nối chương trình học tập cũng như quản lý của bố mẹ. Phụ huynh nên phòng ngừa việc các con sử dụng internet đúng độ tuổi, bởi có rất nhiều nguy cơ về lạm dụng, sử dụng quá nhiều thời gian, mà các con đang trong lứa tuổi phát triển sẽ không có đủ khả năng cũng như kỹ năng để quản lý. Đừng để khi các con bị "nghiện", mất nhiều thời gian, công sức để điều trị mà không dễ dàng.

   Xin cảm ơn bà!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần