Những năm gần đây, nhiều quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng. Cùng với sự phổ biến rộng rãi của Mạng lưới vạn vật kết nối (IoT), nhu cầu về những thiết bị có độ linh động cao và tự cấp nguồn, các nhà khoa học trên thế giới đã bắt tay vào nghiên cứu tạo ra năng lượng từ chính hoạt động của con người.
Xuất phát từ niềm yêu thích nghiên cứu khoa học cộng trí tuệ thông minh và tinh thần sáng tạo, nhóm bốn học sinh Hà Nội (trong đó có hai học sinh trường THCS Giảng Võ) dưới sự dẫn dắt nhiệt tình của thầy cô giáo đã nghiên cứu chế tạo thành công sản phẩm “Máy phát điện ma sát nano”; sáng chế này sau đó xuất sắc giành Huy chương Vàng tại AI-JAM US 2022.
Chia sẻ về sản phẩm, Huy Anh và Gia Đức cho biết: “Sau khi được học về năng lượng tái tạo thông qua các buổi ngoại khóa, tuyên truyền từ nhà trường, chúng em nhận thức được tính cấp thiết và ý nghĩa của việc tìm ra năng lượng thay thế thân thiện với môi trường và dần hình thành ý tưởng tạo năng lượng hữu ích từ việc sử dụng nguồn năng lượng sinh ra trong hoạt động đời thường của con người”.
Qua tìm hiểu sách báo vào tài liệu liên quan trên Internet, đặc biệt là bài báo khoa học của Hệ thống Pavegen- một công ty công nghệ phát triển các tấm lát để chuyển đổi năng lượng từ bước chân của con người thành một lượng nhỏ năng lượng điện, nhận thấy tiềm năng của việc chuyển đổi nguồn năng lượng cơ học lãng phí quanh con người thành điện năng, cả đội đã bắt tay nghiên cứu chế tạo “Máy phát điện nano” dựa trên hiện tượng nhiễm điện do cọ sát và cảm ứng tĩnh điện.
Theo hai tác giả, sản phẩm “Máy phát điện nano” vận hành dựa trên hoạt động cơ học của con người như chạy bộ, chơi thể thao, đi lại, vận động, thể dục sáng…. Từ các hoạt động đời thường này, năng lượng sẽ được tạo ra và chuyển đến một thiết bị có kích thước rất nhỏ gắn trên cơ thể.
“Chúng em đang trong quá trình thử nghiệm nhưng chắc chắn sản phẩm sẽ tạo ra nguồn năng lượng bền vững, giúp giải quyết các vấn đề thiếu hụt năng lượng hiện nay. Trong tương lai, chúng em sẽ cải tiến để sản phẩm được hoàn thiện hơn, tối ưu hơn và đến gần hơn với người dân hơn. Theo đó, sản phẩm “Máy phát điện nano” có thể ứng dụng trong cấp nguồn điện cho một vài thiết bị chỉ cần lượng nhỏ năng lượng điện như: Tai nghe, thiết bị điện tử di động, thiết bị theo dõi sức khỏe, thiết bị thu năng lượng bước chân từ các máy chạy bộ, cảm biến chống trộm…”- Huy Anh, Gia Đức chia sẻ.
Kể về hành trình đi từ ý tưởng đến sản phẩm giành Huy chương Vàng, hai học sinh trường THCS Giảng Võ cho biết, đó là một chặng đường khá dài và vất vả. Từ suy nghĩ, ý tưởng ban đầu cộng hướng dẫn tận tình cùng nhiều lời động viên của thầy cô giáo trường THCS Giảng Võ và ĐH Sư phạm Hà Nội, Huy Anh- Gia Đức đã có những buổi gặp mặt, trao đổi ý tưởng với hai người anh là Nguyễn Đặng Gia Nam (trường THCS Vinschool) và Nguyễn Văn Khải (trường THPT Chu Văn An); từ đây cả bốn thành viên quyết tâm thành lập một đội nghiên cứu nghiêm túc.
Trải qua quy trình ba giai đoạn: Tìm hiểu đề tài, chuẩn bị cho nghiên cứu; tiến hành làm thí nghiệm; báo cáo và phân tích kết quả thu được, sáng chế đã chính thức hoàn thành và gửi dự thi với mong muốn có thêm trải nghiệm thú vị cùng việc sản phẩm sẽ được các chuyên gia công nghệ và bạn bè quốc tế biết đến. Tuy vậy, vượt lên sự mong đợi, các thành viên trong đội cùng thầy cô đã vỡ òa hạnh phúc khi sáng chế “Máy phát điện nano” được vinh danh và trao Huy chương Vàng.
“Thành quả chúng em đạt được là nhờ sự giúp đỡ, động viên, kết nối của thầy cô trường THCS Giảng Võ; sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô trường ĐH Sư phạm Hà Nội cùng các anh chị sinh viên, đặc biệt là vai trò của PGS.TS Nguyễn Cao Khang”- Huy Anh và Gia Đức bày tỏ.
Về con đường học tập phía trước cùng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, hai học sinh trường THCS Giảng Võ bộc bạch: “Nghiên cứu khoa học là một lĩnh vực khó, đòi hỏi nhiều sự đầu tư về kiến thức và thời gian. Tuy nhiên, chúng em thấy được việc nghiên cứu khoa học có ý nghĩa rất to lớn với cộng đồng nên sẽ tiếp tục đam mê, nghiên cứu để sáng chế ra nhiều sản phẩm hữu ích trong tương lai”.
AI-JAM (International Association for the Promotion of Advanced Innovation)- Cuộc thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật Quốc tế được tổ chức thường niên tại Mỹ. AI-JAM tạo ra sân chơi trí tuệ cho những thí sinh đam mê nghiên cứu, sáng tạo và đổi mới. Những thí sinh xuất sắc nhất có thể chia sẻ ý tưởng của mình với các nhà lãnh đạo công nghệ tiên tiến trên thế giới. Được biết, Cuộc thi năm nay thu hút hơn 2.500 thí sinh đến từ 14 nước tham dự, trong đó có Việt Nam.