Học sinh lớp 1, 2 đã phải đóng phí Đội, vì sao?

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trong các khoản phí phải đóng đầu năm học, tại nhiều trường trên địa bàn TP có một khoản phí mà không ít phụ huynh có con đầu cấp, đặc biệt lớp 1-2 nêu lên thắc mắc, đó là “phí Đội”.

Con chưa vào Đội, sao phải đóng phí Đội?

Có con học lớp 2 một trường tiểu học tại quận Long Biên, anh Nguyễn Ngọc Trung thấy khó hiểu khi các khoản phí đầu năm học của con anh có tiền quỹ Đội 18.000 đồng/năm. “Năm ngoái con lớp 1, học chủ yếu online nên không thấy khoản phí này. Năm nay lên lớp 2, con chưa vào Đội mà đóng quỹ Đội. Tôi thấy hơi khó hiểu, tuy nhiên cũng không dám công khai ý kiến vì sợ mang tiếng thắc mắc chyện cỏn con”- anh Trung cho biết.

Tại sao học sinh lớp 1, 2 đã phải đóng phí Đội? (Ảnh minh họa)
Tại sao học sinh lớp 1, 2 đã phải đóng phí Đội? (Ảnh minh họa)

Có con mới học lớp 1, vừa từ mầm non lên biết gì về Đội nhưng lớp con trai chị Phạm Thị Thu Hà, quận Cầu Giấy thông báo dãy phí, trong đó quỹ Đội 18.000 đồng/năm. “Số tiền tuy nhỏ nhưng tôi thấy vô lý vì con tôi đã vào Đội đâu. Ở cơ quan tôi, ai vào Đảng sẽ nộp đảng phí, ai là hội viên hội đoàn thể nào đó sẽ đóng hội phí; nhưng con tôi chưa vào Đội, việc yêu cầu con đóng Đội phí tôi thấy không thỏa đáng.”- chị Thu Hà bày tỏ.

Chi Hà My, trú tại huyện Chương Mỹ có con năm nay lên lớp 3 và chưa vào Đội nhưng trong danh sách các khoản phí phải đóng ở lớp có phí Đội là 13.500 đồng/năm. “Cá nhân tôi không có vấn đề gì nhưng tôi nghe nhiều phụ huynh hỏi nhau rằng tiền này là tiền gì mà lẻ vậy? Cũng có phụ huynh hỏi cô là sao chưa vào Đội mà phải đóng quỹ thì cô giải thích rằng, mỗi học sinh đều trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia và thụ hưởng các phong trào và hoạt động Đoàn Đội. Việc đóng số tiền này là để duy trì các hoạt động Đội nói chung, do vậy mỗi học sinh đều có trách nhiệm đóng góp khoản phí này dù là đội viên hay chưa”.

Khảo sát một số trường học trên địa bàn TP được biết, với riêng phí (quỹ) Đội thì có đơn vị triển khai thu quỹ đến từng học sinh ở toàn bộ các khối lớp nhưng có đơn vị dừng triển khai thu quỹ Đội đã nhiều năm nay.

Bên cạnh đó, với các đơn vị có thu quỹ Đội thì năm học 2021- 2022 không thu quỹ vì cả năm học, các em chủ yếu học online và không có hoạt động Đội tập trung nào nhưng năm 2022- 2023, khi học sinh được đến trường học trực tiếp, nhiều nhà trường đã triển khai thu quỹ Đội trở lại. Khoản thu này cũng được các đơn vị quận, huyện thống nhất thông qua. Và điều đáng lưu ý, đây là khoản thu hộ, chi hộ, có sổ sách kế toán của trường và có sự quản lý của hệ thống.

Cần có quy định rõ ràng hơn

Ở các trường phổ thông, nói đến quỹ Đoàn- Đội, phụ huynh nào cũng đồng tình đóng cho con bởi hơn ai hết, phụ huynh hiểu được tầm quan trọng của các hoạt động đoàn thể tới sự phát triển toàn diện của con em mình. Tuy nhiên, do chưa có cái nhìn đúng, đủ, toàn diện về quỹ (phí) Đội nên có những thắc mắc, những câu hỏi đã được đặt ra xung quanh vấn đề này.

Mục đích của thu phí là để tăng cường đầu tư cho Đoàn- Hội- Đội nhằm góp phần đẩy mạnh công tác giáo dục toàn diện cho học sinh
Mục đích của thu phí là để tăng cường đầu tư cho Đoàn- Hội- Đội nhằm góp phần đẩy mạnh công tác giáo dục toàn diện cho học sinh

Nếu nói về đóng góp bắt buộc thì một đồng cũng nên rõ ràng, minh bạch. Vì sao học sinh mới lớp 1-2-3, khi chưa vào Đội mà nhà trường yêu cầu phải đóng quỹ Đội? Số tiền 13.500 đồng hay 18.000 đồng có thể coi là nhỏ nhưng vì sao lại phải đóng và mức đóng mỗi nơi mỗi khác và số tiền đó dùng vào những việc gì?...- anh Nguyễn Ngọc Trung đặt câu hỏi.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, ông Bùi Mạnh Hướng - Phó Chủ tịch Hội đồng Đội (Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, TP Hà Nội) khẳng định: Quỹ đội là từ nói vắn tắt, bản chất đó không phải là quỹ mà là “kinh phí phục vụ hoạt động Đoàn- Hội- Đội trong trường học”.

Tại Văn bản 121/HDLT ngày 5/11/2001 của liên ngành Sở Tài chính vật giá- Thành Đoàn- Sở GD&ĐT Hà Nội về hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động Đoàn- Hội- Đội trong trường học Hà Nội đã thống nhất hướng dẫn mức thu và quản lý kinh phí phục vụ hoạt động Đoàn- Hội- Đội từ năm học 2001- 2002 trở đi trong các trường Tiểu học- THCS- THPT, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề của Hà Nội.

Mục đích của thu phí là để tăng cường đầu tư cho Đoàn- Hội- Đội nhằm góp phần đẩy mạnh công tác giáo dục toàn diện cho học sinh, nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn- Hội- Đội trong nhà trường; phí được thu với 9 tháng học tập của năm học và đảm bảo 100% học sinh tham gia đóng góp.

Theo văn bản này, mức thu phí được quy định: Khối Tiểu học và THCS ở các quận đóng góp 2.000 đồng/học sinh/tháng (thu trong 9 tháng)- tương đương 18.000 đồng/năm; ở các huyện đóng góp 1.500 đồng/học sinh/tháng (thu trong 9 tháng)- tương đương 13.500 đồng/năm.

Kinh phí thu được sẽ chi để tổ chức thực hiện các hoạt động Đoàn- Hội- Đội theo chương trình công tác do các cấp trên hướng dẫn, chi trang bị cơ sở vật chất Đoàn- Hội- Đội (trống, cờ, quần áo nghi thức, sổ sách ghi chép…), chi cho các hoạt động đột xuất của Đoàn- Hội- Đội do cấp trên chỉ đạo và chi cho các hoạt động từ thiện, nhân đạo.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, một giáo viên tại quận Cầu Giấy cho biết: “Văn bản liên tịch số 121/HDLT không nêu rõ đối tượng đóng kinh phí Đoàn- Hội- Đội có phải là Đội viên (Đoàn viên, Hội viên) hay không mà chỉ ghi chung chung là “học sinh” và yêu cầu “đảm bảo 100% học sinh tham gia”. Điều này sẽ được hiểu là tất cả học sinh, kể cả các em chưa vào Đội cũng phải tham gia đóng góp. Văn bản này đã ban hành được gần 21 năm, mức phí đưa ra đến nay cũng không còn phù hợp. Thiết nghĩ các ngành liên quan cần bổ sung, chỉnh sửa văn bản, trong đó quy định rõ về đối tượng đóng góp kinh phí và mức đóng góp cần tăng lên để phù hợp với kinh tế, vật giá của giai đoạn hiện nay”.