Hà Nội:

Học sinh sửa soạn cho ngày đầu trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – “Ra Tết được đi học rồi” là lời bày tỏ đầy phấn khởi mà nhiều phụ huynh dành cho con em của mình trong câu chuyện đầu năm mới Nhâm Dần 2022.

Với học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 tại Hà Nội, việc chuẩn bị tinh thần, sách vở để trở lại trường vào ngày 8/2 được các em thực hiện trong tâm thế chủ động, sẵn sàng.

Sẵn sàng đi học

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid- 19, đây là lần Hà Nội đón số lượng học sinh trở lại trường đông đảo nhất kể từ 30/4/2021 đến nay. Nếu học sinh lớp 12 tại 30 quận, huyện, thị xã và học sinh lớp 9 tại 18 huyện, thị ngoại thành đã có thời gian được đến lớp thì học sinh các khối: 10, 11 cấp THPT và khối 7, 8 cấp THCS chưa một ngày đến trường suốt hơn 9 tháng qua. Do đó, việc đi học trực tiếp đợt này được các em ngóng đợi, mong chờ đã từ lâu và niềm vui ấy như nhân đôi khi nó đến cùng thời điểm đầu năm mới.

Học sinh khối 7 đến khối 12 sẵn sàng đi học trực tiếp từ ngày 8/2
Học sinh khối 7 đến khối 12 sẵn sàng đi học trực tiếp từ ngày 8/2

Sáng 5/2 (tức mùng 5 Tết), Lê Tuấn Nghĩa, học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, huyện Chương Mỹ mang chiếc xe đạp điện đi bảo dưỡng để chuẩn bị cho ngày đến trường đầu tiên của em từ ngày bước vào cấp III. Nhà cách trường hơn 10 cây số nên đến sáng 8/2, Nghĩa sẽ đặt đồng hồ báo thức lúc 5 giờ 45 để chuẩn bị đi học cho kịp giờ. “Em là học sinh khóa đầu tiên của trường. Từ ngày khai giảng, em chưa một lần được đến lớp, chưa có cơ hội trực tiếp gặp gỡ cô giáo, bạn bè nên tâm trạng khá hồi hộp. Đi học khi dịch bệnh Covid- 19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng mỗi ngày đều tăng mạnh nên chúng em ý thức rất rõ về các nguyên tắc bảo vệ sức khỏe, phòng chống Covid- 19”- Nghĩa cho biết.

Lưu Hải Đăng, học sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Trãi, quận Ba Đình kể, em được đến trường học trực tiếp theo hình thức luân phiên (3 buổi/tuần) từ đầu tháng 12/2021. Kể từ đó, trường em học online- offline tùy diễn biến, thay đổi của dịch bệnh. Lần này sẽ khác khi em đi học 6 buổi/tuần; thời gian đến lớp nhiều hơn; thời khóa biểu đã được gửi trước Tết. Tranh thủ mấy ngày nghỉ, em dọn dẹp góc học tập, sắp xếp sách vở, chuẩn bị cặp xách, đồ dùng để không cập rập trong những ngày sắp tới.

Quyết tâm khắc phục bệnh

Học trực tuyến trong thời gian dài cộng thêm hơn một tuần nghỉ Tết nên không tránh khỏi hiện tượng một số học sinh ngại đụng vào sách vở, ngại đi học trực tiếp vì phải dậy sớm để đến trường thay vì ngủ dậy là ngồi vào lớp học online; sách vở ghi chép nhiều hơn do thầy cô sẽ trực tiếp kiểm tra, tương tác thường xuyên…

Khi đến trường, học sinh cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc phòng chống dịch
Khi đến trường, học sinh cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc phòng chống dịch

Sáng mùng 5 Tết, Nguyễn Hà Anh, học sinh lớp 7 trường Tiểu học & THCS FPT (quận Cầu Giấy) lấy quyết tâm để hoàn thiện nốt bài tập Toán cô giao trước Tết. Các bài tập này, Hà Anh đã nhiều lần tự hứa sẽ làm nhưng rồi lần chần lại bỏ lửng. “Sang tuần đi học trực tiếp rồi, vì vậy sẽ có rất nhiều việc em phải làm dứt điểm. Cái em và các bạn cần khắc phục nhất là bệnh “lười”: Lười học, lười vận động, lười dậy sớm, thậm chí là lười làm bài tập. Dù sao chúng em cũng thích đi học trực tiếp hơn nên em đang cố gắng tìm cách chữa căn bệnh này của mình càng sớm, càng tốt”- cô nữ sinh lớp 7 bộc bạch.

Có một hiện tượng khác mà nhiều học sinh cùng mắc, đó là nghiện game, phụ thuộc vào thiết bị điện tử. Đây là hệ quả khó tránh của việc học online kéo dài. Bởi vậy, mấy ngày nghỉ Tết, nhiều học sinh cho biết mình đã chủ động tránh xa thiết bị máy móc, không giữ thói quen lướt Facebook, Zalo hàng ngày nữa và đã giao hẹn với bạn bè là không liên hệ, nhắn tin khi không có việc quan trọng, tránh việc cả ngày, cả đêm ôm điện thoại, máy tính một cách vô bổ.

“Thú thật em cực nghiện Facebook. Tuy nhiên, em đã chính thức bước vào học kỳ II của lớp 11 với nhiều kiến thức mới. Khi đi học trực tiếp, em coi đây là cơ hội vàng để củng cố, nắm chắc nội dung cốt lõi cũng như kiến thức nâng cao. Dù khó khăn đến mấy em cũng cố gắng thay đổi chính bản thân chứ không thể chờ đợi điều tốt đẹp đến trong khi mình không thật sự nỗ lực"- một học sinh lớp 11 trường THPT Phan Huy Chú, quận Đống Đa chia sẻ.

Được biết, đợt đi học trở lại sau Tết sẽ chỉ tổ chức dạy học trực tiếp ở các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2, các địa bàn mức độ dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4 tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến; nhà trường có trách nhiệm phân công giáo viên dạy học cho các em. Trường học phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 theo các tiêu chí tại Hướng dẫn Liên ngành của Sở GD&ĐT và Sở Y tế mới được mở cửa đón học sinh. Giáo viên chưa tiêm đủ vaccine chỉ dạy trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp. Trường học không tổ chức ăn bán trú, căng tin ăn uống; chỉ tổ chức dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày; học sinh tự mang theo nước uống cá nhân.... Đây là những nội dung các trường học cần phải thực hiện nhằm đảm bảo an toàn khi đón học sinh đi học trực tiếp. 

 

Để sẵn sàng công tác chuẩn bị, tất cả các trường THCS, THPT trên địa bàn TP đã lên kế hoạch và tổ chức diễn tập công tác đón học sinh trước kỳ nghỉ Tết; trong đó có quy định rõ những điều học sinh được làm và không được làm. Theo cô Nguyễn Thị Lan- Hiệu trưởng trường THCS Bát Tràng, huyện Gia Lâm thì cũng như các lần trước, khi đến trường, học sinh cần chuẩn bị đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập, trang phục gọn gàng theo quy định. Ngoài ra, các em cần trang bị các vật dụng cá nhân như khẩu trang, bình nước, khăn giấy, kiểm tra thân nhiệt trước khi đi học; luôn thực hiện tốt nguyên tắc 5K và các quy định liên ngành về phòng chống dịch.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần