Nâng cao kiến thức thông qua nghệ thuật
Chùm kịch ngắn “Lời bà kể” (dựa trên 2 tác phẩm Sự tích cây nêu ngày Tết” và “Mồ Côi xử kiện”) do NSND Nguyễn Trung Hiếu chuyển thể kịch bản và dàn diễn viên trẻ triển vọng của Nhà hát Kịch Hà Nội biểu diễn đã tiếp thu tính trào phúng, khai thác tình huống truyện độc đáo trong mẩu truyện dân gian Việt Nam. Bằng lối kể chuyện dí dỏm, hài hước, đậm truyền thống pha những câu nói hiện đại, bắt nhịp với đời sống học đường hôm nay, vở kịch đã truyền đến hơn 1.000 học sinh tiểu học quận Hoàn Kiếm thông điệp vẹn nguyên của tác phẩm: ca ngợi sự thông minh, tài trí của Mồ Côi cũng như tục lệ người dân thường trồng cây nêu ngày Tết.
Đặc biệt, ngoài phần nhập vai tài tình, trong một vài phân đoạn, các diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội còn khéo léo lồng ghép phần giao lưu với khán giả nhí có mặt tại sân khấu - là học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du và Trường Tiểu học Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Điều này không chỉ làm vở diễn thêm sinh động mà còn tạo điều kiện cho học sinh được bày tỏ tiếng nói, thái độ của mình trước những hành vi, chi tiết kịch; từ đó giúp các em cảm nhận sâu sắc hơn tính trào phúng cũng như giá trị nội dung, ý nghĩa nhân văn đằng sau câu chuyện.
Em Nguyễn Hương Giang, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm cho hay: “Em rất thích xem phần biểu diễn của các nghệ sỹ qua chùm kịch ngắn. Đây là các tác phẩm em đã được học, được đọc nhưng khi trực tiếp xem biểu diễn, em thấy tác phẩm hay và ý nghĩa hơn rất nhiều”.
Được biết, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của UBND quận Hoàn Kiếm và phòng GD&ĐT quận, ban giám hiệu các trường học trên địa bàn đã tuyển chọn, hướng dẫn, truyền dạy cho giáo viên, học sinh có năng khiếu và đam mê nghệ thuật sân khấu kết hợp biểu diễn một số vở diễn, trích đoạn trong các tác phẩm sân khấu truyền thống kinh điển, mẫu mực như: Thị Màu, cô Tấm, Xã trưởng, Mẹ Đốp, Trưng Nữ Vương, Triệu Quốc Trinh, Hộ sanh đàn...
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn, với truyền thống “Thầy dạy hay, trò học giỏi”, giáo dục Hoàn Kiếm nói chung và giáo dục tiểu học nói riêng luôn được các cấp lãnh đạo đánh giá cao và đi đầu trong việc thực hiện đổi mới giáo dục toàn diện. Việc phối hợp thực hiện Đề án sân khấu học đường giữa Phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm với Nhà hát Kịch Hà Nội là một hoạt động ý nghĩa, giúp học sinh phổ thông được tiếp cận với tác phẩm văn học thông qua loại hình sân khấu.
Sau buổi khai mạc, các trường tiểu học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục đưa học sinh đến Nhà hát Kịch Hà Nội để thưởng thức chùm kịch ngắn “Lời bà kể” - chuyển thể từ 2 tác phẩm Sự tích cây nêu ngày Tết và Mồ Côi xử kiện.
Chia sẻ về việc thực hiện Đề án, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm Trịnh Ngọc Trâm bày tỏ: khi được nghe giảng trên lớp, có thể học sinh chỉ chạm đến một phần nào đó ý nghĩa của tác phẩm văn học. Nhưng khi được xem tác phẩm văn học dựng thành vở diễn sân khấu, các em có thêm phương thức cảm thụ mới một cách nhanh chóng, dễ hiểu, mềm mại, độc đáo qua các hình tượng nghệ thuật sân khấu. Hoạt động này đem lại cho học sinh cuộc sống tinh thần trong sáng, lành mạnh để học tập, tiếp thu tốt hơn và bồi dưỡng thế giới nội tâm, nhân cách, lối sống, những khát vọng, hoài bão của tuổi trẻ theo truyền thống của cha ông.
Xây dựng chương trình sân khấu phù hợp lứa tuổi
NSND Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết: Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong Chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của TP Hà Nội giai đoạn 2022-2030” (gọi tắt là Đề án sân khấu học đường) xây dựng từ năm 2014; chính thức được UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2022 và được các đơn vị sân khấu Hà Nội cùng các trường học đã, đang triển khai.
Khi xây dựng Đề án, các nghệ sỹ Nhà hát Kịch Hà Nội khao khát và trăn trở làm thế nào để các tác phẩm văn học từ cấp tiểu học, THCS, THPT trong sách giáo khoa cùng các sự kiện lịch sử được hình tượng hóa và đưa lên sân khấu một cách sống động, chân thực nhất.
TP Hà Nội có gần 2.000 trường phổ thông với khoảng 2 triệu học sinh. Các em cũng chính là chủ nhân của TP trong tương lai và là lực lượng khán giả tiềm năng của sân khấu kịch Hà Nội.
Theo Đề án, các nhà hát trực thuộc Sở VH&TT sẽ phục dựng và dàn dựng 51 vở diễn thuộc 70 tác phẩm, sự kiện, nhân vật lịch sử, tổ chức 1.800-2.000 buổi diễn tại các trường phổ thông.
Cụ thể: Giai đoạn thử nghiệm (2022 – 2024), các nhà hát sẽ phục dựng 11 vở diễn, tổ chức 400 buổi diễn và tuyển chọn học sinh, giáo viên của 2 trường. Giai đoạn 2 (2025 - 2030), các đơn vị triển khai rộng rãi, phục dựng 40 vở diễn; tổ chức 1.400-1.600 buổi diễn; tuyển chọn học sinh, giáo viên tại 24 điểm trường.
Trong giai đoạn 2, không chỉ Nhà hát Kịch Hà Nội mà các đơn vị nghệ thuật khác trên địa bàn TP cũng chung tay xây dựng Đề án, mang các loại hình nghệ thuật khác đến với học sinh và có tính lan tỏa, ý nghĩa rất lớn.
Các tác phẩm dự kiến được dàn dựng và đưa lên sân khấu các trường học gồm: Thất trảm sở và học trò thủy thần (Danh nhân văn hóa Chu Văn An); Truyện Kiều; Hà thành Chính khí (Tổng đốc Hoàng Diệu); Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh (sự kiện lịch sử 19/12/1946 - Ngày toàn quốc kháng chiến); Thái sư Trần Thủ Độ; Lá cờ thêu 6 chữ vàng; Cô bé bán diêm; Đức tính giản dị của Bác Hồ; Dế mèn phiêu lưu ký….
Tùy theo từng lứa tuổi, Nhà hát Kịch sẽ xây dựng chương trình sân khấu phù hợp, không đặt nặng tính hàn lâm mà chú trọng đẩy mạnh giao lưu để học sinh, sinh viên tiếp cận, được trực tiếp trải nghiệm, thực hành, giao lưu cùng diễn giả, nghệ sĩ...
"Phát triển Đề án sân khấu học đường với chất lượng tốt sẽ mang lại giá trị nhân văn, xây dựng thế hệ học sinh yêu sân khấu, yêu nghệ thuật, yêu cuộc sống và trân trọng hơn giá trị của cuộc sống. Đề án cũng giúp phát huy ý nghĩa thiết thực trong sự nghiệp giáo dục và bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc, đồng thời góp thêm một phương pháp hữu hiệu cho việc dạy sử và học sử đối học sinh,”- NSND Nguyễn Trung Hiếu nhấn mạnh.