Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2020: Cầu nối gắn kết “3 nhà”

Hoài Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 25/11, tại Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall Royal City đã diễn ra Lễ khai mạc hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2020, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu và Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đã đến dự và cắt băng khai mạc hội chợ.

Các đại biểu cắt băng khai mạc hội chợ. Ảnh: Hoài Nam
“Miền đất hứa” của các nhà sản xuất

Sau 6 năm tổ chức thành công, Hội chợ đặc sản vùng miền đã trở thành sự kiện xúc tiến thương mại uy tín, hỗ trợ DN, địa phương quảng bá sản phẩm đặc sản với người tiêu dùng Hà Nội và tham gia chuỗi cung ứng - tiêu thụ tại thị trường Thủ đô và phục vụ xuất khẩu. Nếu như năm 2014, quy mô hội chợ còn khá khiêm tốn với 120 gian hàng thì đến nay, hội chợ đã lên đến 300 gian hàng, thu hút 200 DN đến từ 60 tỉnh, thành trong cả nước.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Thị Mai Anh cho hay, quy mô hội chợ năm nay lớn hơn năm trước là do DN nhận thấy việc tham gia hoạt động này mang lại lợi ích kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị AEON, Central Group, Lotte, VinGroup… “Hà Nội là địa phương với hơn 10 triệu dân nên nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm rất lớn, đồng thời có mạng lưới phân phối phát triển dẫn đầu cả nước với 22 trung tâm thương mại, chuỗi 125 siêu thị, hệ thống 600 cửa hàng tiện ích và gần 500 chợ… Điều đó cho thấy, Hà Nội vẫn đang là “miền đất hứa” cho các nhà sản xuất nông sản, thực phẩm khai thác, thông qua việc ký kết tiêu thụ hàng hóa với DN bán lẻ trong thời gian diễn ra hội chợ” - bà Mai Anh phân tích.

DN các địa phương tham gia hội chợ có chung phản ánh, hoạt động này không chỉ giúp DN đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị Hà Nội mà còn tạo cơ hội cho các DN, địa phương kết nối cung ứng sản phẩm cho nhau, từ đó tạo ra các chuỗi cung ứng hàng hoá cho người tiêu dùng địa phương. Phó Chủ tịch Hội nữ doanh nhân tỉnh Yên Bái Vũ Thị Huệ chia sẻ, sau nhiều lần tham gia Hội chợ đặc sản vùng miền do Hà Nội tổ chức, Hội nữ doanh nhân Yên Bái đã xây dựng được mối liên kết với tỉnh Thanh Hoá, Hải Dương, Quảng Ninh, Hưng Yên... tiêu thụ sản phẩm. Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Công ty Hải sản Phan Thiết Nguyễn Quang Chiến chia sẻ, đây là lần thứ 2 DN tham gia hội chợ, nhờ đó DN đã kết nối với nhiều đơn vị, địa phương giao dịch trao đổi hàng hoá. "Hy vọng trong lần tham gia hội chợ đặc sản vùng miền 2020, DN sẽ có thêm đối tác tiêu thụ hàng hóa trong những tháng cuối năm 2020 và hậu Covid-19” - ông Chiến nói.
 Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm tại hội chợ. Ảnh: Hùng Thập
Sự hấp dẫn của các sản vật

Không chỉ hỗ trợ DN sản xuất kết nối DN bán lẻ, siêu thị tiêu thụ sản phẩm, Hội chợ đặc sản vùng miền còn tạo điều kiện cho người dân tiếp cận sản vật địa phương.

Chị Nguyễn Thị Thành ở phố Trần Hữu Tước (Đống Đa) chia sẻ, năm nào Hội chợ đặc sản vùng miền chị cũng đi bởi ở đây quy tụ đặc sản của nhiều địa phương trong cả nước. Có những địa phương chị Thành chưa có cơ hội đến tham quan, thưởng thức đặc sản thì thông qua hội chợ, chị và gia đình được tiếp cận với các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, được đảm bảo về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ. “Chẳng hạn, gạo Điện Biên với hạt gạo trắng đục, sáng bóng, khi nấu cơm có mùi thơm nhẹ, vị đậm, mềm và dẻo; chè Shan Tuyết với vị thơm đặc trưng, không chát xít và rõ ngọt hậu nhờ được chế biến từ búp chè tươi 1 tôm 2 lá non” - chị Thành nói.

Đến với Hội chợ đặc sản vùng miền, người tiêu dùng không chỉ được thưởng thức những sản phẩm ngon, lạ, bảo đảm an toàn thực phẩm mà cách trình bày một số sản phẩm còn rất đẹp mắt, tạo sức hấp dẫn cả về màu sắc, chất lượng. Các sản phẩm được giới thiệu, quảng bá tại hội chợ năm nay gồm các nhóm mặt hàng như: Nông sản thực phẩm; thủy hải sản tươi sống, chế biến của các tỉnh vùng biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nha Trang, Bình Thuận…; thịt lợn, thịt trâu gác bếp của các tỉnh Tây Bắc như Sơn La, Cao Bằng, Hà Giang; cam Cao Phong, Hà Giang, Hàm Yên; xoài Cao Lãnh; cà phê (Buôn Ma Thuột); sâm Ngọc Linh (Quảng Nam)... cùng với các loại măng, miến, mộc nhĩ… của nhiều vùng miền hội tụ về đây.

Tại Hội chợ lần này, các làng nghề Hà Nội cũng giới thiệu sản phẩm là những mặt hàng truyền thống như: Cốm Làng Vòng, xôi Phú Thượng, bưởi Diễn, lụa tơ tằm Vạn Phúc và Mỹ Đức, hàng thêu ren, đồ sừng... Đặc biệt năm nay, các làng nghề còn trình diễn tay nghề của các nghệ nhân để khách vừa tham quan, trải nghiệm, mua sắm. Chẳng hạn, các nghệ nhân trà vùng Tây Bắc trình diễn quy trình sao tẩm chè sạch từ các vùng chè nổi tiếng; trình diễn ẩm thực các vùng miền.

Hội chợ đặc sản vùng miền tiếp tục khẳng định là cầu nối 3 "nhà": Nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng tiếp cận đặc sản của các địa phương. Đây là một trong những chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm thực hiện liên kết Hà Nội với cả nước, qua đó nhằm hỗ trợ DN khai thác thị trường nội địa hậu Covid-19.
Hội chợ đặc sản vùng miền đã góp phần quảng bá các đặc sản vùng miền địa phương đến với người tiêu dùng Hà Nội, đồng thời tìm kiếm cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài. Qua chương trình, các ngành chức năng Hà Nội và các địa phương đã trao đổi kinh nghiệm về cách thức để đưa hàng vào các chuỗi siêu thị, xây dựng kênh phân phối hàng hóa. Chương trình thể hiện rõ sự quyết tâm của Hà Nội cùng các tỉnh, trong việc liên kết tạo nguồn hàng, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Giám đốc HPA Nguyễn Gia Phương