Hội chợ FLAsia 2023: Sản phẩm của Hà Nội gây ấn tượng mạnh

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông qua việc đưa DN tham gia Hội chợ triển lãm nhượng quyền và cấp phép châu Á (FLAsia 2023), ngành Công Thương Hà Nội đã tạo cơ hội cho DN quảng bá sản phẩm Việt, thể hiện sức mạnh của kinh tế Thủ đô.

Đó là khẳng định của Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh khi trao đổi với Kinh tế & Đô thị.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh.

Xin bà cho biết, lý do nào khiến ngành Công Thương Hà Nội và các DN Thủ đô tham gia FLAsia 2023 tổ chức tại Singapore?

- Singapore là nhà đầu tư lớn thứ 2 của Hà Nội sau Nhật Bản, đồng thời cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng của các DN Hà Nội. Năm 2022 kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang thị trường này đạt 628 triệu USD (chiếm tỷ trọng 3,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội), tăng 3,4% so với năm 2021.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội sang Singapore đạt 260 triệu USD (chiếm tỷ trọng 3,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Singapore gồm máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, gỗ và nguyên liệu gỗ, linh kiện – điện tử; máy tính và linh kiện máy tính; dệt may, nông sản, thực phẩm…

Hội chợ FLAsia 2023 là một trong những sự kiện thường niên của Singapore trong lĩnh vực nhượng quyền thương hiệu. Năm nay FLAsia 2023 có quy mô 250 thương hiệu đến từ các quốc gia trên thế giới, đem đến cho DN Hà Nội cơ hội gặp gỡ các nhà đầu tư, đối tác kinh doanh, từ đó tìm kiếm cơ hội xuất khẩu hàng hóa ra thế giới.

Ngoài ra, bên lề hội chợ, DN còn được tham dự các diễn đàn, hội nghị, hội thảo. Đây là cơ hội để quảng bá thương hiệu DN, sản phẩm, tiếp cận các kiến thức chuyên nghiệp về xây dựng thương hiệu quốc tế, cách thức quảng bá sản phẩm và nhượng quyền… Qua đó giúp DN nắm bắt được xu hướng thị trường thế giới, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Trong kỳ hội chợ lần này, các DN Hà Nội đã trưng bày, giới thiệu những mặt hàng, sản phẩm nào, thưa bà?

- Nhằm quảng bá sản phẩm, thương hiệu Việt đến các bạn hàng quốc tế, DN Hà Nội như Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, Công ty TNHH Gia vị & Thảo mộc Feyyman, Công ty TNHH Gốm cao cấp Bát Tràng, Công ty CP Vinahut, Công ty CP XNK Nông sản thực phẩm Việt Nam, Công ty CP Dược thảo Thiên Phúc… trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm, dệt may, thủ công mỹ nghệ, vàng bạc, trang sức, dược phẩm, thực phẩm chức năng…

Doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm tại FLAsia 2023. Ảnh: Thu Hương
Doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm tại FLAsia 2023. Ảnh: Thu Hương

Đồng thời giới thiệu đến các đối tác quốc tế những sản phẩm thuộc chương trình OCOP, dịch vụ nhà hàng, khách sạn. Quốc vụ khanh Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Singapore Low Yen Ling đánh giá cao tiềm năng, thế mạnh của những thương hiệu đến từ Việt Nam và rất ấn tượng với các sản phẩm mà DN Thủ đô mang tới hội chợ.

Trong thời gian tham gia hội chợ, thông qua hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm, nhiều DN đã tìm được đối tác tiêu thụ sản phẩm. Chẳng hạn Công ty TNHH Gốm cao cấp Bát Tràng đã tìm kiếm được 6 đối tác tiêu thụ sản phẩm là các công ty kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn, sản phẩm ống hút từ ngũ cốc với thương hiệu Vinastraws, Vinahut; Công ty CP XNK Nông sản, thực phẩm Việt Nam (VAFOOD) đã tìm được 5 đối tác tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, xu hướng sử dụng thương mại điện tử trong giao dịch hàng hóa đang phát triển mạnh mẽ, Singapore là nơi đặt trụ sở của sàn thương mại điện từ Lazada. Vậy Sở Công Thương đã có những hoạt động hỗ trợ DN tiếp cận sàn thương mại điện tử này như thế nào, thưa bà?

- Nhằm hỗ trợ DN tiếp cận thương mại điện tử, trong thời gian tham dự FLAsia 2023, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore đã có buổi làm việc với Tập đoàn Lazada, đơn vị quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử Lazada.

Tại buổi làm việc, các DN Hà Nội đã kiến nghị, thời gian tới Lazada hướng dẫn, hỗ trợ DN và làng nghề thủ công mỹ nghệ Hà Nội, chủ thể sản phẩm OCOP… đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử của Lazada. Đồng thời có những hỗ trợ cụ thể cho DN tham gia trong giai đoạn đầu kinh doanh trên sàn như hỗ trợ phí ship, quảng cáo nội sàn…

Ngoài ra, Lazada phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội thực hiện các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của DN về chuyển đổi số, nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử. Đồng thời trang bị kỹ năng bán hàng hiệu quả trên nền tảng thương mại điện tử, hướng tới ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động xuất khẩu.

Trước những kiến nghị của DN Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc phụ trách đối ngoại Tập Đoàn Lazada Chu Hoa Wi thông tin, trong thời gian tới, Lazada sẽ triển khai những sáng kiến hỗ trợ DN vừa và nhỏ có thể lên sàn thương mại điện tử. Cụ thể đối với nhà bán hàng mới, Lazada khuyến khích đầu tư mở gian hàng thông qua chương trình "Thời điểm vàng, lên sàn LazMall".

Các nhà bán hàng đã đăng ký hoạt động được giảm chi phí vận chuyển, đóng gói và chương trình voucher tích lũy hỗ trợ 60% chi phí tài trợ mã giảm giá. Bên cạnh đó, Lazada còn hỗ trợ kết nối với các chuỗi cung ứng nội địa để tìm nguồn hàng cho các nhà bán hàng.

Có thể nói, thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, TP Hà Nội đã tạo cơ hội cho DN quảng bá thương hiệu, đẩy mạnh xuất khẩu. Qua đó hoàn thành mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 6% năm 2023.
Xin cảm ơn bà!