Trả lời:
Theo quy định tại khoản 5 Điều 275 Bộ luật Dân sự năm 2015, một trong những căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ là gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật.
Điều 584 Bộ luật Dân sự quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau: Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp những quy định tại các luật khác có liên quan.
Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại được đặt ra khi có đủ 3 yếu tố sau: Có thiệt hại xảy ra; hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra.
Để xác định ai là người có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại phải xác định được nguyên nhân vụ hỏa hoạn, trên cơ sở đó xem xét hành vi của người gây thiệt hại có thỏa mãn 3 điều kiện nói trên hay không. Người có hành vi gây thiệt hại (nguyên nhân do đun nấu hoặc hệ thống điện gia đình bị chập cháy...) dẫn đến cháy lan sang các nhà khác thì họ có nghĩa vụ bồi thường cho các gia đình bị thiệt hại.
Đối chiếu với quy định trên, người có đất cho thuê không phải bồi thường thiệt hại do họ không có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho người khác. Với chủ nhà trọ và người thuê trọ, nếu ai có hành vi gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Trường hợp chủ nhà trọ và người thuê trọ cùng có lỗi thì họ phải liên đới bồi thường.
Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn