[Hỏi-đáp] Chủ nợ có quyền ép bố mẹ trả thay con?

Luật sư Nguyễn Hồng Quang - Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Tôi cho một người vay 50 triệu đồng nhưng người này không trả được nợ và có dấu hiệu trốn tránh. Liệu tôi có quyền ép bố mẹ của người đó trả nợ thay không vì họ sống cùng nhà với nhau?" - Nguyễn Thị Hiền, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Trả lời:
Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự của người chưa đủ 6 tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó thực hiện. Người từ đủ 6 đến chưa đủ 15 tuổi khi thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Trong trường hợp này, bạn không có quyền ép bố mẹ người vay hoàn trả số tiền đó, trừ khi họ tự nguyện.
Trường hợp người vay đủ 18 tuổi trở lên và không thuộc trường hợp bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì phải chịu trách nhiệm với các hành vi của mình. Người thân không có nghĩa vụ phải trả nợ thay cũng như không phải bồi thường thiệt hại do hành vi của người đó gây ra. Ngoài ra, chủ nợ cũng không thể ép người thân của họ trả nợ thay. Trên thực tế, nhiều trường hợp ép trả thay đã dẫn đến một số hành vi vi phạm pháp luật như: Xúc phạm danh dự, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, cưỡng đoạt tài sản người khác.
Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần