Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Hỏi-đáp] Làm sao đòi được tiền khi thủ phạm lừa đảo đi tù?

Luật sư Bùi Quang Thu -- Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Gia đình tôi qua môi giới gặp cặp vợ chồng bán căn hộ chung cư. Hai người này cho gia đình tôi xem sổ đỏ gốc rồi tiến hành làm thủ tục. Tuy nhiên, khi gia đình tôi trả được một nửa tiền nhà, gần 1 tỷ đồng, hẹn ngày đi công chứng thì không liên lạc được. Làm đơn đến cơ quan công an, gia đình tôi mới biết một số người cũng bị lừa như vậy. Cặp vợ chồng kia đã bị bắt, hiện bị kết án tù, liệu gia đình thôi có đòi lại được tiền?" - Nguyễn Thị Linh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Trả lời:
Trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người bị hại được lấy lời khai, trình bày quan điểm về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bị can đối với người bị hại. Khi xét xử, nếu người lừa đảo bị kết tội, ngoài hình phạt tù, họ còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho người bị hại.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự, trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Kèm theo đơn yêu cầu thi hành án, phải có bản án, quyết định được yêu cầu thi hành và tài liệu khác có liên quan (nếu có). Người yêu cầu thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án quy định tại Điều 66 của Luật này.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 36 Luật thi hành án dân sự, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành đối với phần bản án, quyết định sau đây: Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí; Trả lại tiền, tài sản cho đương sự; Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu huỷ vật chứng, tài sản; Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước; Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án.
Như vậy, với các quy định trên, gia đình bạn có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án nhưng cơ quan thi hành án cũng có trách nhiệm chủ động ra quyết định thi hành án kể cả khi gia đình bạn không làm đơn. Sau khi ban hành quyết định thi hành án, thủ trưởng cơ quan thi hành án sẽ phân công chấp hành viên thực hiện việc thi hành án theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc có thu hồi được tài sản, trả lại cho người bị hại hay không còn tùy thuộc vào điều kiện thực tế, khả năng thi hành án của người phải thi hành. Thực tế cho thấy, các bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường khó đòi được toàn bộ số tiền hoặc tài sản mình bị lừa chiếm đoạt.
Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn