Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Hỏi-đáp] Làm thêm giờ thế nào để bảo đảm quyền lợi người lao động?

Luật gia Phạm Thu Hương - Hội Luật gia TP Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Công ty tôi ký hợp đồng lao động với 3 bảo vệ. Vào thứ Bảy, Chủ nhật, người lao động vẫn đi làm bình thường, không có ngày nghỉ hàng tuần; vậy thời gian làm thứ Bảy, Chủ nhật của người lao động có được tính là thời gian làm thêm không? Nếu tính thời gian làm thêm thì vượt quá thời gian làm theo giờ trong một năm theo quy định của Bộ luật Lao động (vì vậy, việc trả lương làm thêm giờ không đúng). Công ty phải tính giờ làm cho người lao động như thế nào cho hợp lý?" - Trương Thị Mây, quận Ba Đình, Hà Nội

Trả lời:
Trước tiên, công ty bạn không bố trí cho người lao động có ngày nghỉ hàng tuần là đã vi phạm Bộ luật Lao động năm 2019; bởi vì theo quy định mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần, người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân một tháng ít nhất 4 ngày (Điều 111 Bộ luật Lao động năm 2019).

Còn quy định về làm thêm giờ, Bộ luật Lao động 2019 quy định thời gian làm thêm giờ không quá 40 giờ/tháng (Khoản 2 Điều 105). Điều 106 Bộ luật Lao động 2019 có quy định cụ thể làm thêm giờ như sau:

1. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.

2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Được sự đồng ý của người lao động;

b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày; không quá 30 giờ trong một tháng và tổng số không quá 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm;

c) Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ.

Như vậy, căn cứ vào điều luật đã viện dẫn trên, công ty bạn cần quy định về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi và làm thêm giờ cho đúng quy định của Bộ luật Lao động và đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Câu hỏi bạn đọc xin gửi về địa chỉ: Báo Kinh tế & Đô thị, số 21 Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa, Hà Nội; Email: bandoc@ktdt.com.vn