Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội làng!

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với thiên tai, phần lớn đình, chùa quê tôi đã bị tàn phá bởi bom đạn chiến tranh... Tuổi thơ của chúng tôi lớn lên không biết đến khái niệm hội làng.

Về già lại được sống trong cái nôi của lễ hội, nhưng trước năm Quý Mão, tôi chưa tham dự kỳ hội làng nào, cho đến khi bước sang ngoài ngũ tuần…

Vì nhiều lý do, sau hơn 10 năm, cái làng ven đô nơi tôi sinh sống mới tổ chức lễ hội. Trước đó cả tháng, các cụ trong làng đã lên lịch chi tiết cho các bộ phận; nào là khánh tiết, nào là cỗ bàn, nào là cờ, là kiệu…

Trước ngày khai hội, trong làng không còn một cọng rác, ngõ xóm phong quang, cờ xí rợp trời. Các hộ dân trang hoàng nhà cửa, nấu bánh chưng, lên kế hoạch làm cỗ mời khách rất chi là rầm rộ.

Con em trong làng làm ăn xa rầm rập trở về, đường ngang, ngõ dọc trong làng ken dày ô tô biển ngoại tỉnh. Không khí vui vẻ tràn ngập mọi ngóc ngách; làng xóm đông và vui hơn gấp mấy lần Tết Nguyên đán.

Vì thuộc diện dân ngụ cư, nên dù cũng hóng hớt vào hội làng, nhưng tôi vẫn có cảm giác mình là người bên rìa. Cảm nhận của tôi về hội làng như sau; (phần lễ) có dâng vật phẩm, đọc văn tế, còn về phần hội thì rước kiệu, múa hát, các trò chơi dân gian, cuối cùng là màn “đồng dân hội ẩm”. Trong số đó đáng kể nhất (và cũng đáng xem nhất) là màn rước kiệu (cũng có người gọi là múa kiệu).

Hai chiếc kiệu được toán phu (nam và nữ) mặc đồng phục rước từ đình xuống quán. Đám rước có chiêng trống đi kèm, người ta vừa rước vừa nhảy múa, cứ như là lên đồng vậy!

Ngoài “một bữa giữa làng” (tức là đồng dân hội ẩm), các gia đình đều tổ chức tiệc tại tư gia; liền tù tì trong 2 ngày, người ta “ăn nhậu quần quật”. Dù mệt nhưng trong 2 ngày đó, người ta đều dành hết tâm tư tình cảm cho hội làng. Vui đáo để…

Giêng, hai là mùa lễ hội xứ này. Trước và sau làng tôi, bốn phía lân cận cũng tưng bừng khai hội. Bài bản thì cũng “hòm hòm” như nhau; điều đáng nói (và gọi là “điểm nhấn”), không có gì đặc sắc ngoài màn rước (múa kiệu).

Màn rước kiệu ở hội làng (nơi tôi ngụ cư), được coi là “lành” vì lộ trình rước múa chỉ diễn ra trong địa phận của làng. Nhưng vào mùa lễ hội, màn rước kiệu của những làng nằm trên trục liên xã, liên huyện gây ra không ít hệ lụy cho người tham gia giao thông.

Ai từng tham dự (hoặc “vướng” vào những màn rước kiệu) mới thấy được sự phiền hà, nhiêu khê khi đoàn rước độc chiếm con đường. Các phương tiện khác muốn qua ư? Hãy đợi đấy!

Tôi từng chứng kiến cả đoàn người trên tỉnh lộ phải “nhường đường” cho đám rước. Xe con, xe “bố” gì đi chăng nữa, cũng phải nhường mấy cỗ kiệu đang nhảy múa trên đường. Nghĩ dại, những lúc như vậy mà có xe cấp cứu hoặc hỏa hoạn xảy ra thì chắc chắn hậu quả sẽ khó lường…

Cách nay vài hôm, đường làng chỗ tôi bỗng dưng xuất hiện xe buýt; thấy lạ tôi bèn hỏi đứa lớn: Gái ơi, khu nhà mình có tuyến xe buýt chạy qua rồi à? Không có đâu bố ơi, sở dĩ hôm nay xe buýt chạy qua nhà mình vì họ phải chạy tránh hội làng thôn Thượng, xã dưới đấy ạ.

Tưởng rằng từ nay mỗi lần muốn ra phố chỉ cần nhảy xe buýt cho an toàn, nào ngờ “giấc mơ đi xe công” của tôi chỉ là hão. Xe buýt chỉ chạy qua nhà tôi mấy hôm, để tránh hội làng, xóm dưới mà thôi…