Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị G20: Thiết lập một trật tự kinh tế quốc tế công bằng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nếu kinh tế thế giới chỉ nghiêng về sự phát triển đối với các quốc gia giàu, các quốc gia đã phát triển thì nền kinh tế đó là một nền kinh tế không lành mạnh.

KTĐT - Nếu kinh tế thế giới chỉ nghiêng về sự phát triển đối với các quốc gia giàu, các quốc gia đã phát triển thì nền kinh tế đó là một nền kinh tế không lành mạnh.

“Vấn đề phát triển” – là 1 trong 4 chủ đề chính của Hội nghị G20 tại Seoul được các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam rất quan tâm. Phóng viên VOVNEWS phỏng vấn Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Suk Hwan về vấn đề này.

Hội nghị Cấp cao G20 tại Seoul được tổ chức từ 11- 12/11, theo đề nghị của nước chủ nhà Hàn Quốc, “Các vấn đề phát triển” sẽ được thảo luận sâu. Theo đó các nước phát triển sẽ chuyển từ trợ giúp tài chính sang tăng cường tiềm năng tăng trưởng cho các nước đang phát triển.

** Xin Đại sứ cho biết, từ đâu, Hàn Quốc đưa ra sáng kiến này?

Đại sứ Park Suk Hwan: Hàn Quốc từng là một nghèo nhất trên thế giới và đã trải qua rất nhiều kinh nghiệm đau thương trong việc phát triển kinh tế. Chúng tôi muốn chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm trong quá trình từ một nước nghèo thành một nước phát triển và mong muốn xây dựng một cơ chế giúp đỡ giữa các nước phát triển đối với các nước kém phát triển và đang phát triển nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển.

Quan niệm của chúng tôi, một thế giới không thể phát triển bền vững nếu tình trạng phân hóa giàu nghèo cơ bản vẫn còn tồn tại.

Nếu kinh tế thế giới chỉ nghiêng về sự phát triển đối với các quốc gia giàu, các quốc gia đã phát triển thì nền kinh tế đó là một nền kinh tế không lành mạnh.

Từ mong muốn các quốc gia cùng sống một cách hoà bình, bình đẳng, cùng có lợi và cùng phát triển như nhau, Hàn Quốc muốn thể hiện vai trò cầu nối của mình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này.

Cũng thông qua sáng kiến này, Hàn Quốc hy vọng tiếng nói của các nước đang phát triển sẽ được nâng cao hơn nữa trong cơ chế G20.

** Trong quá trình đưa ra sáng kiến này, Hàn Quốc có gặp phải khó khăn nào không, thưa Đại sứ?

Đại sứ Park Suk Hwan: Để “Vấn đề phát triển” được đưa vào là 1 trong 4 chủ đề chính của Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Seoul, phía Hàn Quốc đã phải nỗ lực vận động hành lang, tham vấn cũng như tiếp cận và lắng nghe rất nhiều ý kiến từ các nước thành viên.

Chúng tôi quan tâm đến vấn đề hợp tác phát triển ở một số điểm chính như: Cải thiện phương thức hỗ trợ đang phát triển như thế nào và các kế hoạch đưa ra phải là dài hạn, lâu năm chứ không phải là các kế hoạch ngắn hạn. Một quốc gia phát triển cần cả quá trình rất dài.

Phía Hàn Quốc nhận thức rằng điều quan trọng ở đây là không chỉ cung cấp vốn cho các nước đang phát triển mà phải làm thế nào để tạo động lực tăng trưởng cho các quốc gia này ngày càng lớn mạnh. Các nền kinh tế hàng đầu thế giới cần có những kế hoạch hành động cụ thể để thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng dài hạn tại các nước kém phát triển và giúp họ tự đứng trên đôi chân của mình.

Phương châm của việc đưa ra vấn đề hợp tác phát triển là giúp các nước kém phát triển không chỉ vì sự phát triển riêng của các nước đó mà còn vì nền kinh tế chung của toàn thế giới.

Khi một nước kém phát triển trở thành một nước phát triển thì nhu cầu của họ tăng lên và khi đó các quốc gia đã phát triển tự nhiên sẽ có lợi. Bởi vậy, Hàn Quốc cho rằng, phải phát triển cả thế giới thứ ba thì toàn bộ thế giới mới có sự phát triển đồng đều.

** Vậy kế hoạch hành động mà Hàn Quốc đưa ra để thực hiện sáng kiến này là gì thưa Đại sứ?

Đại sứ Park Suk Hwan: Kế hoạch hành động cần bao gồm các biện pháp đẩy mạnh chuyển giao công nghệ cho các nước nghèo và hiện đại hóa hạ tầng công nghiệp của các nước này bởi điều đó sẽ góp phần điều chỉnh sự mất cân bằng kinh tế toàn cầu.

Chúng tôi cũng đang tăng cường tiếp cận và có tiếp xúc với các nước đang phát triển cũng như các tổ chức hỗ trợ các nước này để tìm ra một phương hướng hỗ trợ thích hợp nhất cũng như xác định vấn đề nào, lĩnh vực nào mà các nước đang phát triển cần được hỗ trợ.

Riêng đối với Hàn Quốc, trong kế hoạch hành động chúng tôi đang thực hiện là chia sẻ kinh nghiệm phát triển; hỗ trợ về phát triển hạ tầng kinh tế; hỗ trợ về phúc lợi, về y tế và hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo con người.

Trong kế hoạch hành động lâu năm, chúng tôi dự kiến đưa ra hơn 100 những kế hoạch nhỏ hơn.

** Đại sứ có nghĩ rằng, sáng kiến này sẽ đạt được sự đồng thuận của các nước G20?

Đại sứ Park Suk Hwan: Tại hội nghị Bộ trưởng Tài chính ngày 22/10 ở Gyeongju (Hàn Quốc), các nước G20 đã thông qua một kế hoạch hành động. Theo đó, đã thành lập một nhóm làm việc để thực hiện giúp các nước đang phát triển tăng trưởng một cách bền vững. Điều đó cho thấy, các quốc gia khác ngoài Hàn Quốc đã rất đồng thuận với việc giúp các nước đang phát triển nhiều hơn nữa.

Điều này cũng chứng tỏ, các quốc gia trong G20 cũng nhận thức tầm quan trọng của việc phát triển, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các nước đang phát triển.

Chúng tôi kỳ vọng, sáng kiến này sẽ được thông qua.

** Hiện nay, có rất nhiều hoài nghi xung quanh vấn đề “văn hóa thực thi” các cam kết của các diễn đàn quốc tế nói chung, thậm chí cả các cam kết của G20. Đại sứ nhận định như thế nào về vấn đề này?

Đại sứ Park Suk Hwan: Trong 4 hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức vừa qua đã đưa ra được rất nhiều thỏa thuận và cam kết giữa các nước. Và Hội nghị G20 Seoul chính là cơ hội quan trọng để hiện thực hóa các cam kết này. Tổng thống Lee Myung Pak đã nhấn mạnh rằng, việc thực thi các cam kết không thể tự một quốc gia nào có thể thực hiện mà đòi hỏi phải có sự hợp tác của rất nhiều bên. Tôi không phủ nhận “văn hóa thực thi các cam kết quốc tế” hiện còn chưa cao, song điều này không có nghĩa là không thực thi.

Từ năm 2008, sau khi cuộc khủng hoảng tài chính ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Việc thực thi các thỏa thuận, cam kết của G20 đã giúp nền kinh tế vượt qua được giai đoạn khó khăn, và có những điểm sáng như hiện nay.

Tại Hội nghị G20 lần này, Hàn Quốc mong rằng các nước thành viên sẽ cùng nhau hợp tác, đồng thuận đưa ra nhiều thỏa thuận và quan trọng hơn là hiện thực hóa các thỏa thuận ấy./.