Bên cạnh việc đón tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama nhân dịp này và đạt được việc đưa ông Obama trong tư cách là tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ đến thăm 2 TP Hiroshima và Nagasaki vốn bị Mỹ thả bom nguyên tử hủy diệt hồi tháng 8/1945, hội nghị này là cơ hội thuận lợi để Nhật Bản và cá nhân đương kim Thủ tướng Shinzo Abe đạt được cả nhiều lợi ích riêng khác. Đối với bản thân nhóm G7 thì cả hội nghị này cũng chưa thể giúp cải thiện được tình trạng khó khăn và khó xử hiện tại. Sau khi loại Nga ra khỏi khuôn khổ diễn đàn G8 do Nga tiếp nhận Crimea và hậu thuẫn phe ly khai chống đối chính phủ ở Ukraine, nhóm G7 được khôi phục và lại theo đuổi tham vọng trở thành "chính phủ của thế giới". Vì thế, trên chương trình nghị sự của hội nghị đầy đủ hết tất tần tật những vấn đề thời sự của thế giới, khu vực cũng như toàn cầu, chính trị cũng như kinh tế, an ninh cũng như xã hội, cả chiến tranh lẫn hòa bình, cả trật tự chính trị an ninh thế giới lẫn chuyện tài chính và tiền tệ của thế giới. Hội nghị này chắc chắn sẽ làm Trung Quốc không hài lòng vì biểu lộ G7 đứng hẳn về phía Nhật Bản trong việc đối phó với Trung Quốc tăng cường tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với một số nước láng giềng và ý đồ quân sự hóa Biển Đông. Trong những chuyện khác, hội nghị này chỉ bàn mà không quyết như truyền thống lâu nay, hoặc có quyết thì rồi cũng không thực hiện. Nguyên nhân ở chỗ G7 hiện trong tình trạng nội không yên và ngoại không tĩnh. Ở bên ngoài, G7 đang bị thách thức nghiêm trọng bởi nhiều tập hợp lực lượng và khuôn khổ diễn đàn đa phương khác như nhóm G20 hay Brics. Ở bên trong, gần như nước thành viên nào hiện cũng đều có chuyện nội bộ như sự trỗi dậy của các lực lượng cực hữu, dân tộc chủ nghĩa và dân túy, kinh tế tăng trưởng trì trệ, các đảng cầm quyền sa sút uy tín, khủng hoảng người tỵ nạn hoành hành. Cái khó hiện đang bó cái khôn đối với G7.